5 Lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non được quy định trong Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT bao gồm Giáo dục phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm và phát triển thẩm mỹ.
Hiểu được các lĩnh vực trong giáo dục trẻ mầm non này, giáo viên sẽ có thêm kinh nghiệm, sự hiểu biết và kỹ năng nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện. Dưới đây là nội dung cụ thể của 5 mặt phát triển của trẻ mầm non.
Lĩnh vực 1: Giáo dục phát triển thể chất của trẻ mầm non theo Thông tư 17 Bộ Giáo dục
Có hai khía cạnh chính là phát triển vận động và giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe
Về phát triển vận động cần chú ý các động tác phát triển cơ và hô hấp; các kỹ năng vận động cơ bản và phát triển các tố chất trong vận động; các cử động bàn tay, ngón tay và sử dụng một số đồ dùng, dụng cụ
Về dinh dưỡng và sức khỏe: đảm bảo bé nhận biết được một số món ăn, thực phẩm thông thường và tác dụng của chúng đối với sức khỏe; tự làm một số việc phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày; có ý thức giữ gìn sức khỏe và bảo đảm an toàn.
Lĩnh vực 2: Giáo dục phát triển nhận thức của trẻ mầm non theo Thông tư 17 Bộ Giáo dục
Lĩnh vực này tập trung giúp bé khám phá khoa học, làm quen một số khái niệm sơ đẳng về toán và khám phá xã hội
– Khám phá khoa học bao gồm: tìm hiểu các bộ phận của cơ thể người, đồ vật, động vật và thực vật, một số hiện tượng tự nhiên.
– Các khái niệm về toán học: tập hợp, số lượng, số thứ tự, đếm, xếp tương ứng, so sánh, đo lường, hình dạng, định hướng theo không gian và thời gian.
– Khám phá xã hội bao gồm: bản thân, gia đình, họ hàng và cộng đồng; trường mầm non; một số nghề nghiệp phổ biến; danh lam thắng cảnh và các ngày lễ hội.
Đây là một trong các lĩnh vực phát triển của trẻ nhà trẻ rất quan trọng giúp trẻ bước đầu khám phá thế giới xung quanh, phát triển tư duy logic và hiểu biết xã hội.
Lĩnh vực 3: Giáo dục phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non theo Thông tư 17 Bộ Giáo dục
Cần vận dụng các kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc viết để trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ một cách tốt nhất.
Phần nghe tập trung vào các từ chỉ người, sự vật, hiện tượng, đặc điểm, tính chất, hoạt động và các biểu cảm; nghe lời nói trong giao tiếp hàng ngày; nghe kể chuyện, đọc thơ, ca dao, đồng dao phù hợp với lứa tuổi mầm non.
Phần nói chú trọng phát âm rõ các tiếng trong tiếng Việt, bày tỏ nhu cầu, tình cảm và hiểu biết của bản thân bằng các loại câu khác nhau; sử dụng đúng từ ngữ và câu trong giao tiếp hàng ngày, trả lời và đặt câu hỏi; đọc thơ, ca dao, kể chuyện; lễ phép chủ động chào hỏi và giao tiếp.
Phần đọc viết thì trẻ sẽ làm quen với việc sử dụng bút, vở, một số ký hiệu, chữ viết…
Lĩnh vực 4: Giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội của trẻ mầm non theo Thông tư 17 Bộ Giáo dục
– Phát triển tình cảm: ý thức về bản thân, nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật hiện tượng xung quanh.
– Phát triển kỹ năng xã hội: hành vi và quy tắc ứng xử xã hội trong sinh hoạt gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng gần gũi; quan tâm bảo vệ môi trường.
Tùy vào độ tuổi mà có những bài học khác nhau. Ví dụ trẻ 3 đến 4 tuổi thì cần ý thức về tên tuổi, giới tính, điều bé thích và không thích. Trẻ 4 đến 5 tuổi khám phá thêm khả năng của bản thân. Và đối với những trẻ lớn hơn từ 5 đến 6 tuổi sẽ cần tìm ra điểm giống và khác nhau của mình với người khác, trách nhiệm của bản thân trong gia đình và lớp học, chủ động trong các hoạt động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến.
Lĩnh vực 5: Giáo dục phát triển thẩm mỹ của trẻ mầm non theo Thông tư 17 Bộ Giáo dục
– Cảm nhận và thể hiện cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống gần gũi xung quanh trẻ và trong các tác phẩm nghệ thuật.
– Một số kĩ năng trong hoạt động âm nhạc (nghe, hát, vận động theo nhạc) và hoạt động tạo hình (vẽ, nặn, cắt, xé dán, xếp hình).
– Thể hiện sự sáng tạo khi tham gia các hoạt động nghệ thuật (âm nhạc, tạo hình).
Trên đây là 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non trong chương trình giáo dục tiêu chuẩn. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non cần dựa trên cả 5 lĩnh vực, khí đó trẻ mới phát triển toàn diện.