Dạy dỗ con cái là một quá trình dài hơi mà các bậc cha mẹ cần có lộ trình cụ thể. Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, trẻ rất ham học hỏi và bắt đầu hình thành nhân cách. Vì thế, đây là giai đoạn hết sức quan trọng để cha mẹ dạy con làm quen và rèn luyện các thói quen tốt.
1. Xây dựng một lộ trình cụ thể
Trong quá trình dạy con, cha mẹ cần sắp xếp các mục tiêu quan trọng lại để có thể dễ dàng chọn lựa, khi đó có thể áp dụng nguyên tắc cái nào dễ làm trước, khó làm sau. Với tuổi mầm non, cha mẹ cần chú trọng rèn luyện kĩ năng sống, ứng xử với mọi người. Trong đó, kỹ năng thoát hiểm là quan trọng nhất thì nên dạy trước; Các kỹ năng cơ bản về tự chăm sóc bản thân cũng rất quan trọng và cần tập trung hơn các kỹ năng khác.
Đối với trẻ đã vào tiểu học thì cần hướng dẫn con sắp xếp hợp lý việc chơi và học.
2. Bổ sung các kiến thức về tâm sinh lý của trẻ
Trong quá trình dạy dỗ, nếu các cha mẹ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thì có thể đo mức độ hiểu biết của con bằng thái độ tiếp nhận. Ví dụ như nếu trẻ vẫn tỏ ra lơ mơ dù đã giảng nhiều lần thì nghĩa là con chưa đủ khả năng hiểu. Nếu trẻ mải chơi, không tập trung hoặc không cảm thấy hứng thú gì thì có lẽ phương pháp chưa hấp dẫn, cha mẹ cần tham khảo chuyên gia lập tức để tìm kiếm và lựa chọn phương pháp phù hợp.
3. Cha mẹ hãy là tấm gương cho con noi theo
Gia đình, đặc biệt cha mẹ là tấm gương cho con trẻ noi theo. Cần nhớ rằng dạy con tức là hướng dẫn con dần dần chứ không phải là giảng đạo. Vì thế, tốt nhất là làm mẫu và khuyến khích con làm theo. Hãy đơn giản hóa và làm sinh động mọi thứ để trẻ có thể hiểu được thông điệp của cha mẹ.
Việc dạy con cần theo lộ trình và vì thế cha mẹ hãy luôn nhất quán trong cách hướng dẫn con. Phải luôn tạo niềm tin cho con và quan trọng đừng quên nói với con rằng, cha mẹ cũng là con người bình thường nên khó tránh khỏi sai sót, mong con thông cảm vào những lúc như thế. Đừng cố gắng bao biện hay bảo thủ với sai lầm của mình, con sẽ học món này rất nhanh đấy.
4. Tôn trọng và công bằng với con
Trong mọi việc của trẻ, cha mẹ hãy luôn hỏi ý kiến của con. Nếu cha mẹ muốn quyết định vấn đề gì theo ý mình thì hãy để con được lựa chọn vài ba món mà trong đó món cha mẹ thích là món nhiều lợi ích và ít rủi ro nhất. Yên tâm đi, con sẽ vô cùng khôn ngoan chọn nó ngay. Như thế sẽ vẹn cả đôi đường.
Bạn đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của bố mẹ vào đầu con cái. Nếu cha mẹ gây áp lực kiểu: Bố bảo phải nghe thì đến khi con bạn phát hiện ra một món gì đó mà bố sai, lúc đó lấy lại lòng tin của trẻ là việc rất khó khăn.
Hãy luôn áp dụng cách thưởng phạt phân minh và công bằng để trẻ hiểu và làm theo luật lệ của gia đình. Đó là nền tảng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con.
5. Dạy con biết lập kế hoạch học tập và sinh hoạt
Lập kế hoạch đối với trẻ ở cấp tiểu học bắt đầu bằng việc cân đối việc chơi và học, để sau này các con không phải bỡ ngỡ khi bước vào các kì thi quan trọng. Vì thế nên cha mẹ cần thiết phải hướng dẫn con cân đối thời gian chơi và học thật rõ ràng, khoa học. Đối với lớp 1, các con phải được chơi nhiều nhất. Nhưng khi bước vào các lớp cao hơn thì cần giảm dần để các con có thể thích ứng tốt nhất. Nói chung, vẫn quán triệt tinh thần chơi nhiều hơn học (trừ thời gian ở lớp).
6. Đồng hành với con trong việc học tập
Bắt đầu học một thứ gì đó thật sự là không dễ dàng. Cho nên cha mẹ hãy đồng hành với trẻ chứ không phải là ngồi “chỉ tay năm ngón”. Ví dụ, trẻ tiểu học luôn cảm thấy môn Tiếng Việt không hề dễ, vậy nên để con học tốt rất tốn công sức. Nếu kiến thức trong sách vở không đủ, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu và khám phá thêm ở bên ngoài. Khi gặp những vấn đề khó khăn thì hãy cùng con tra từ điển. Đây cũng là cách hữu hiệu rèn cho con kỹ năng tìm tòi, nghiên cứu – nền móng cho sáng tạo.
7. Hãy kiên nhẫn với con
Đằng nào thì con cũng sẽ học đủ thứ, có những thứ học trước, có thứ sẽ học sau. Vì thế nên nếu như chưa đến thời điểm cần dạy thì hãy tạm gác lại. Cha mẹ cần nhớ quy luật, “dục tốc bất đạt” – ép chín thì quả cũng không thể ngọt.