Hứng thú là một yếu tố quan trọng giúp trẻ ở độ tuổi mầm non xem học tập là niềm vui và sự hữu ích. Vì vậy bên cạnh chương trình học tại trường thì ngay cả tại gia đình, người lớn cũng cần tạo hứng thú cho trẻ và kích thích trẻ học tập tích cực. Làm được điều này chúng ta sẽ cung cấp cho trẻ một nền tảng mạnh mẽ trong phát triển trí tuệ, thể chất và tình cảm xã hội. Khi có hứng thú, trẻ sẽ tham gia hoạt động tích cực và mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Thông thường trẻ mầm non đã có khả năng đánh giá, phân tích và phân biệt hiện tượng xung quanh, tuy nhiên ở độ tuổi này khả năng tập trung chú ý của trẻ chưa cao nên bạn phải áp dụng đúng chiều, đúng hoàn cảnh.
1. Tạo không gian học tập đa màu sắc
Trẻ từ 4-6 tuổi có thể bắt đầu tiếp nhận thông tin theo hệ thống. Tuy nhiên tư duy của trẻ còn nặng về trực quan hình ảnh. Vì vậy bạn có thể cung cấp kiến thức cho trẻ bằng cách tạo ra những đồ dùng đồ chơi đẹp mắt để bé học tại nhà. Bạn có thể dạy cho trẻ theo kiểu mô hình hóa, sơ đồ, việc tạo các trò chơi: tìm nhà theo sơ đồ, đi đến chỗ có thức ăn… không chỉ giúp trẻ tiếp thu tốt các kiến thức mà người lớn cung cấp cho trẻ mà còn kích thích trẻ tham gia học tập tích cực hơn.
2. Chú ý đến thời gian
Thời gian cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo hứng thú và kích thích trẻ ham học hỏi ở độ tuổi mầm non, khả năng tập trung của bé chưa cao nên bạn cần rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ một cách nhẹ nhàng và khéo léo. Bố mẹ không nên sử dụng những biện pháp quá cứng nhắc như: bắt con phải hoàn thành một việc gì đó trong thời gian quy định, ép con viết, vẽ… mà phải tranh thủ lợi dụng tính tò mò ham thích khám phá của trẻ vào các bài tập rèn luyện. Đối với trẻ từ 4-6 tuổi bạn chỉ cần cho trẻ học từ 30- 45 phút/ngày, chú ý tạo thời gian nghỉ giữa giờ bằng các trò chơi hay câu chuyện kể, nhằm giúp trẻ thư giãn và tiếp tục có hứng thú với việc học
3. Vừa chơi vừa học
Một số gia đình cho rằng nhiệm vụ chính của trẻ ở giai đoạn này là học nhưng trên thực tế hoạt động mà bé quan tâm và thích thú nhất là vui chơi. Thực ra chính việc trẻ chơi đùa một cách thích thú sẽ là cơ sở để trẻ học tập tích cực. Vì vậy bạn có thể kết hợp học và chơi song song chứ không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng hai công việc này. Hoạt động vui chơi giúp trẻ phát triển đầy đủ về cá mặt, thúc đẩy sự tích cực chủ động và sáng tạo. Trò chơi hành động phải phù hợp với từng lứa tuổi, không đưa ra yêu cầu quá thấp hoặc quá cao so với lứa tuổi của trẻ. Bạn có thể chọn một số trò chơi như ghép hình, vẽ, nặn, phân biệt sự khác nhau giữa hai bức tranh… nhằm kích thích óc sáng tạo, khả năng quan sát của trẻ. Tuy nhiên lúc này hệ cơ của trẻ phát triển yếu, các sợi cơ nhỏ mảnh không thích nghi với sự căng thẳng lâu của cơ bắp nên bạn cần xem kẽ giữa vận động và nghỉ ngơi thích hợp.
4. Khen nhiều hơn chê
Không ít bố mẹ đã bỏ qua yếu tố quan trọng này. Trên thực tế khen thưởng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo hứng thú cho trẻ học tập. Trẻ trên 3 tuổi đã biết khát khao sự trìu mến yêu thương, đồng thời lo sợ trước những thái độ thờ ơ lạnh nhạt của những người xung quanh. Trẻ cũng nắm bắt được nhiều cảm xúc của người lớn và biết cách làm cho bố mẹ hài lòng với một động lực hết sức mạnh mẽ là được khen ngợi và yêu thương. Tuy nhiên khen thưởng phải đúng lúc, kịp thời, tránh tình trạng lấy quà thưởng làm điều kiện cho trẻ học vì như vậy trong thời gian dài sẽ cảm thấy học là vì phần thưởng và có phần thưởng trẻ mới học
5. Để con quậy phá trong kiểm soát
Có thể nói đây là nhất trong những cái nhất tạo được nhiều hứng thú cho trẻ trong học tập. Còn gì thích thú hơn khi trẻ chủ động bày biện đồ chơi, sách vở mà không bị bố mẹ la hét. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi hai bên bạn và trẻ cần thương lượng, hãy chắc chắn rằng trẻ không lại gần khu vực nguy hiểm như: công tắc điện, ban công, không sử dụng các vật nhọn như dao, kéo, bù lại con sẽ được bày bừa đồ đạc trong nhà, được nặn đất sét, tô màu theo ý thích. Dĩ nhiên mọi hoạt động của trẻ phải nằm trong tầm ngắm của bạn
6. Hoạt động ngoại khóa
Bạn đừng nghĩ đây chỉ là nhiệm cụ của nhà trường nhé! Những lúc rảnh rỗi bạn nên tranh thù cùng con đi siêu thị, nhà sách, tham quan vui chơi thảo cầm viên…Đây không chỉ là cách rèn kỹ năng sống mà còn giúp trẻ hình thành khả năng phân loại các nơi bán hàng, phân loại mặt hàng, biết đưa và nhận bằng hai tay, biết cảm ơn, biết xếp hàng và chờ đợi khi đến lượt…
7. Tạo ra góc thiên nhiên
Ngoài việc tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, bạn cũng có thể tạo ra góc thiên nhiên ngay tại nhà. Góc thiên nhiên là nơi có nhiều cây xanh và dành cho các hoạt động chăm sóc cây cối, dạy cho trẻ cách tưới nước, bắt sâu… bạn có thể giúp trẻ nhận biết từng loại cây bằng cách gắn nhãn mác tiếng Việt và tiếng Anh
8. Làm giàu vốn hiểu biết của trẻ về môi trường xung quanh
Ở độ tuổi này trẻ đã có thể nhớ được những từ cụ thể. Vì vậy bên cạnh việc bắt trẻ ngồi vào bàn học bạn nên linh hoạt chọn các hình thức học tập cho trẻ như: câu đố, âm nhạc, đồng dao…để trẻ không bị nhàm chán, dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức chính xác. Ví dụ bạn cho trẻ làm quen với con cua thay vì hỏi “con này là con gì” bạn có thể đố: “Con gì tám cẳng hai càng, đầu thì không có bò ngang cả đời” Trẻ sẽ đoán được đó là con cua và trong đầu sẽ biết được những đặc điểm của con cua là có tám cẳng hai càng và chỉ bò ngang.
Đối với con cá bạn có thể đố: “Con gì có vẩy có vây, không đi trên cạn mà đi dưới hồ” Sau khi trẻ đoán được là con cá bạn tiếp tục cho trẻ so sánh điểm giống và khác nhau giữa con cua và con cá.
Tóm lại phương châm chung của giáo dục mầm non là vui chơi làm quen với thế giới tự nhiên và khám phá nghệ thuật bằng những bài học đơn giản nhất. Vì vậy hãy cho trẻ cơ hội để vào đời vững vàng nhất mà bạn có thể làm.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]