Dạy Trẻ Mầm Non Thế Nào Cho Đúng Cách Và Hiệu Quả?

 

Hoạt động vui chơi với vật thật giúp trẻ có cơ hội tương tác tập thể, kích thích năng lực cá nhân, phát triển tư duy. 

Nhiều năm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non, ông Matsuura Takeshi, Giám đốc Kogumakai Việt Nam – chương trình giáo dục phát triển tư duy từ Nhật Bản cho trẻ 3-6 tuổi cho rằng, trẻ sẽ học nhanh hơn qua các hoạt động vui chơi với học cụ sinh động.

Dưới đây là những lời khuyên về dạy trẻ mầm non sao cho đúng cách và hiệu quả.

Học gì

Thực tế nghiên cứu giáo dục của nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản đã chỉ ra rằng, để có thể học tốt hay thành công trong cuộc sống, trẻ cần được rèn luyện khả năng tư duy linh hoạt ngay khi còn nhỏ. 3-6 tuổi là giai đoạn mà những trải nghiệm thực tế có thể mang đến sự phát triển vượt bậc trong năng lực tư duy cho các em. Quan trọng là cách chúng ta dạy trẻ học như thế nào.

Học như thế nào

Học là phải hành, phải có vật thật. Với trẻ mầm non, các em cần được sờ nắm, nhìn tận mắt, bắt tận tay mới có thể hiểu và cảm thụ tốt. Chương trình học trang bị đa dạng về học cụ, đúng với nội dung học, an toàn và tạo cho trẻ sự hào hứng.

Sự kích thích về màu sắc, tò mò và thích thú khi bản thân tự khám phá ra quy luật hoạt động sẽ là nguồn nuôi dưỡng liên tục cho niềm yêu thích học tập. Trẻ cần học cụ nhóm để cùng học với các bạn, học cụ cá nhân để khám phá tiềm năng bản thân. Do vậy, học với trẻ mầm non, nhất định cần môi trường, vật dụng cụ thể.

Ví dụ, khi học cách so sánh dung lượng, trẻ cần biết cách sử dụng ca đong để thao tác với cát hay gạo. Trẻ học rẽ trái rẽ phải bằng cách tự di chuyển trên sơ đồ để đi đến các cửa hàng khác nhau.

dạy trẻ mầm non thế nào cho đúng cách và hiệu quả
Những trải nghiệm thực tế có thể mang đến sự phát triển vượt bậc trong năng lực tư duy cho các em

Học đã hiểu được thì phải nói được. Đa phần trẻ mầm non gặp khó khăn trong việc biểu đạt suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Nếu nhìn nhận ngôn ngữ với 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết thì trẻ mầm non cần được tập trung phát triển nghe – nói. Học tập thông qua đối thoại với những câu hỏi “vì sao” giúp tối ưu khả năng tư duy và biện luận bằng ngôn ngữ cho trẻ. Khi trẻ nghe đúng, nói đúng, các em sẽ tự tin vào bản thân – điều vô cùng cần thiết để trẻ có thể hoà nhập tốt vào môi trường mới khi vào tiểu học.

Ví dụ, khi trẻ lắng nghe câu chuyện khoảng 500 từ bao gồm các yếu tố về tên người, đặc điểm, số lượng… trẻ cần biết, ghi nhớ lọc nội dung để trả lời cho các câu hỏi về chi tiết của truyện. Còn với với bài toán hoán đổi vật, việc đưa ra kết quả chính xác là yếu tố phụ. Quan trọng nhất chính là trẻ cần trả lời và lý luận cách hoán đổi để ra được kết quá đó.

Học phải vui, phải thích. Trẻ mầm non đa phần hoạt động là vui chơi. Lớp học ngồi tại chỗ và đơn thuần sách vở không dành cho trẻ trong độ tuổi này. Trẻ cần vận động, vui chơi, được đóng vai… Với các hoạt động đúng theo tâm sinh lý sẽ giúp các em hấp thụ kỹ năng, kiến thức qua các trò chơi, khiến trẻ thấy yêu và hứng thú với việc học.

Ví dụ, trẻ có thể học đếm bằng cách đóng vai người đi chợ mua hàng, bán hàng; học so sánh vị trí trước sau bằng trò chơi vừa nối đoàn tàu vừa hát; học chia đều bằng cách tổ chức đi picnic với các món ăn mô phỏng theo kiểu Nhật…

Học phải có tính liên kết giữa mầm non và tiểu học. Nói về sự kết nối giữa mầm non với tiểu học chúng ta thấy rằng các môn học ở tiểu học cần được chuẩn bị nền tảng khi trẻ học mầm non. Trẻ mầm non vẫn cần học toán, học ngôn ngữ nhưng cần có nội dung thiết kế và nghiên cứu đúng lứa tuổi.

Ví dụ, ở tiểu học trẻ học các môn toán như số học, hình học, đo lường, học tiếng Việt với sách vở còn ở mầm non các em học hoàn toàn với vật thật. Ngôn ngữ mầm non trẻ cần nghe hiểu tốt, chưa cần học đọc, học viết.