Môi trường giáo dục mầm non thân thiện cần tiêu chí nào?

 

Xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ mầm non là vấn đề cấp thiết, được ưu tiên hàng đầu trong việc GD trẻ. Vì vậy, việc tạo cơ hội cho trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường thân thiện, trẻ sẽ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức thẩm mỹ, lao động.

 

Hiện thực hóa chương trình giáo dục

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Khoa GDMN, Trường CĐSP T.Ư cho rằng, đối với trẻ mầm non, môi trường giáo dục là khoảng không gian sống thân thiện. Môi trường đó đáp ứng được sở thích và khả năng, phong cách học tập riêng của mỗi trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ, gia đình và cộng đồng cùng tham gia đóng góp, xây dựng.

Theo cô Mỹ Hạnh, xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục để hiện thực hóa mục đích giáo dục. Một là, môi trường giáo dục phải hướng vào việc phát triển toàn diện của trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mầm non nói chung và mục tiêu giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi nói riêng. Hai là, thiết kế môi trường phải phù hợp với mục đích tổ chức hoạt động cho trẻ.

Khi thiết kế môi trường GV cần phải trả lời các câu hỏi: Thiết kế môi trường để làm gì, thực hiện mục đích gì? Hoặc ngược lại, dựa vào những điều kiện có sẵn của môi trường, GV suy nghĩ, xem xét có thể sử dụng những điều kiện đó nhằm đạt được mục tiêu giáo dục nào?

Chẳng hạn, để thực hiện mục tiêu phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua giờ kể chuyện, nếu đặt mục tiêu phát triển kỹ năng nghe cho trẻ, GV cần tạo ra môi trường yên tĩnh, thoải mái. Giọng kể của GV rõ ràng, hấp dẫn, biểu cảm. Các phiếu bài tập đánh giá kết quả lắng nghe của trẻ. Nếu đặt mục tiêu phát triển kỹ năng thể hiện minh họa nội dung truyện qua hình thức đóng kịch thì cần chuẩn bị môi trường, không gian cho trẻ hoạt động, trang phục, đạo cụ phục vụ cho việc thể hiện nội dung câu chuyện.

 

Môi trường giáo dục mầm non thân thiện cần tiêu chí nào

 

Phù hợp với từng lứa tuổi

Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền, Khoa GDMN, Trường CĐSP T.Ư chia sẻ, xây dựng môi trường lớp học thân thiện cần phải tính đến đặc điểm của trẻ như: Lứa tuổi, mức độ phát triển, hứng thú, khả năng của trẻ… Chính vì vậy, cần chú ý khi lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, các trang thiết bị trong lớp cũng như bố trí, sắp xếp chúng trong môi trường cho phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi.

Theo cô Huyền, trẻ 2 – 3 tuổi thường chơi cạnh nhau, quan sát bạn chơi và bắt chước nhưng không hợp tác, vì vậy đồ dùng, đồ chơi cần chuẩn bị nhiều để mỗi trẻ có cơ hội được thao tác với đồ dùng, đồ chơi. Khả năng vận động của trẻ lứa tuổi này còn hạn chế, để hình thành và rèn tính kiên trì, sự tập trung chú ý cho trẻ, các đồ chơi, đồ dùng cần có kích thước lớn để trẻ dễ nắm, dễ cầm, thực hiện thành công các thao tác.

Đối với trẻ 3 – 4 tuổi, đồ chơi có thể không cần quá nhiều về chủng loại mà chủ yếu là đồ chơi có sẵn cho trẻ sử dụng. Để phát triển khả năng vận động và ngôn ngữ của trẻ ở độ tuổi này, cần bố trí lớp học thành những chỗ cao, thấp, trang bị bóng lớn, xe đạp, tranh vẽ to, sách với những trang dày, cứng chắc chắn….

Ở trẻ 4 – 6 tuổi, tư duy trực quan hình tượng phát triển mạnh. Trẻ có nhu cầu vui chơi trong nhóm bạn bè và có khả năng hợp tác làm việc trong nhóm, vì vậy cần tạo không gian để trẻ có thể chơi theo nhóm. Ở lứa tuổi này, trẻ thích trò chơi đóng kịch nên cũng cần chuẩn bị cho trẻ có thể biểu diễn. Đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong lớp chú ý đến sự phong phú về chủng loại, đặc biệt là những nguyên vật liệu mở và các phương tiện để trẻ được sáng tạo.

 

[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]