Giáo viên mầm non cần được bồi dưỡng như thế nào?
Giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phải tham gia bồi dưỡng 120 tiết/1 năm học để cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế – xã hội, chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực dạy học, giáo dục.
Đó là nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong dự thảo quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vừa được công bố lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, mỗi năm học giáo viên sẽ phải tham gia bồi dưỡng khoảng 120 tiết học gồm: Nội dung bồi dưỡng đáp ứng theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học khoảng 30 tiết/1 năm học; nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học khoảng 30 tiết/1 năm học; và nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên khoảng 60 tiết/1 năm học.
Bên cạnh đó, dự thảo cho phép các cấp quản lý giáo dục có thể chủ động thay đổi thời lượng bồi dưỡng ở từng nội dung bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học nhưng không được thay đổi tổng số 120 tiết của mỗi năm học.
Về hình thức bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên bồi dưỡng bằng tự học kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn, cơ sở giáo dục, liên trường hoặc cụm trường.
Ngoài ra, giáo viên có thể dự lớp bồi dưỡng tập trung nhằm được trao đổi về chuyên môn, hướng dẫn tự học, hệ thống hóa kiến thức và luyện tập kỹ năng. Các hình thức khác như: bồi dưỡng từ xa, bồi dưỡng qua mạng Internet… phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định hiện hành về bồi dưỡng thường xuyên.