“Một em bé tự lập sẽ luôn trưởng thành, tự tin vào khả năng của bản thân, luôn vui vẻ và “tròn đầy” kỹ năng để hội nhập, kết nối toàn cầu. Các em sẽ là “trái ngọt” ba mẹ sẽ nhận được nếu biết cách ươm mầm và vun trồng” – Hot Mom Phan Hồ Điệp cho biết. Và trải qua nghiên cứu tâm lý và sự phát triển của trẻ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori cũng luôn khuyến khích ba mẹ tận dụng thời điểm 6 năm đầu đời để rèn cho trẻ tính tự lập theo tinh thần phương pháp Montessori.
Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng thấu hiểu điều đó. Bài viết dưới đây sẽ mang tới cho ba mẹ 5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập hiệu quả.
1. Dạy trẻ những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống
Liên tục làm việc với trẻ trong thời gian dài, tiến sĩ Maria Montessori chỉ ra rằng “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng tự học tuyệt vời”. Trẻ có thể học hỏi và bắt chước rất nhanh những điều chúng nhìn thấy và được giáo dục như miếng bọt biển thấm hút nước. Vì vậy, ngay từ khi trẻ 2 tuổi, ba mẹ có thể dạy và chỉ dẫn cho trẻ một số kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.
– Kỹ năng giữ vệ sinh:
Để có một em bé tự lập, trước hết dạy cho em biết cách giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Hãy bắt đầu bằng việc tạo thói quen cho trẻ thông qua việc để trẻ quan sát những hành động ba mẹ làm. Ví dụ: Ba mẹ nên bỏ rác đúng nơi quy định, lau bàn khi đổ nước, cho quần áo bẩn vào máy giặt, dọn đồ sau khi bày ra nhà,… Theo đó, sau khi thấy ba mẹ làm vậy, trẻ rất dễ học theo và có thể tự mình làm mọi thứ.
– Kỹ năng tự chăm sóc bản thân:
Là một người mẹ đã nuôi dạy con thành công theo phương pháp Montessori, Hot Mom Phan Hồ Điệp cho biết “Ở lứa tuổi từ 3 đến 6, trẻ đã có thể tự mình thực hiện một số hoạt động chăm sóc bản thân như tự thay quần áo, tự đi giày, tự đánh răng, tự treo quần áo,… Các kỹ năng phát triển theo cấp độ tăng dần, từ dễ đến khó. Điều quan trọng là ba mẹ dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn, đưa ra những lời gợi ý, mời gọi trẻ tự làm”.
Khi áp dụng dạy trẻ theo phương pháp Montessori tại nhà, ba mẹ cũng cần chuẩn bị một môi trường sẵn sàng cho sự tự chăm sóc của trẻ. Ba mẹ có thể sắp xếp hoặc đặt để đồ dùng, thiết bị trong gia đình như giá để giày, móc treo quần áo, chậu rửa mặt,… vừa tầm với trẻ nhằm giảm bớt độ khó khi trẻ thực hiện các hoạt động cá nhân. Hay việc đi giày của trẻ, hãy bắt đầu dạy trẻ cách đi giày theo cấp độ từ dễ đến khó. Từ những đôi giày chỉ cần xỏ chân vào đến những đôi giày dính và cuối cùng là đôi giày dây, trẻ sẽ học được cách thích nghi và biết tự mình đi giày một cách nhanh gọn nhất.
– Kỹ năng giúp đỡ người khác:
Ở giai đoạn 2 đến 6 tuổi, ba mẹ có thể dạy cho trẻ hiểu giúp đỡ người khác là một việc tốt và trẻ cũng có thể thực hiện điều đó từ chính những hành động nhỏ của các con như bày bàn ăn, rửa rau củ quả, phụ ba mẹ xách đồ đạc nhẹ, tưới nước và chăm sóc cây,… Khi ba mẹ để trẻ giúp đỡ mình chính là lúc trẻ cảm thấy bản thân mình hữu ích, luôn được ba mẹ công nhận và tự hào. Từ đó, chính các bậc cha mẹ đã trở thành người khơi gợi tinh thần tự lập ở mỗi trẻ.
2. Tạo môi trường gần gũi, an toàn để trẻ phát huy tính tự lập của bản thân
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có năng lực tự lập, chỉ cần ba mẹ khuyến khích và cho con cơ hội được thực hiện những điều con có thể. Và việc tạo môi trường gần gũi, an toàn cho trẻ chính là một trong những điều kiện giúp trẻ phát huy tính tự lập của mình.
Tại gia đình, dạy trẻ tự lập theo phương pháp Montessori sẽ bắt đầu từ việc xây dựng không gian ngăn nắp, trật tự. Ba mẹ hãy tận dụng các đồ dùng bằng gỗ tự nhiên, lành tính để hạn chế tối đa sự nguy hiểm cho trẻ khi va chạm. Đặc biệt, cũng trong ngôi nhà của mình, ba mẹ có thể phân chia rõ ràng các khu vực không gian để trẻ biết đâu là góc chơi tự do, đâu là nhà bếp, đâu là phòng khách,…
Mọi sự quy định luôn đi cùng các nguyên tắc có kế hoạch và có tổ chức nhất. Và người lớn chính là người làm gương cho trẻ về vấn đề thực hiện nguyên tắc đó. Ví dụ bữa sáng sẽ ăn ở đâu, vào lúc nào, giày dép phải đặt ở đâu, quần áo phơi khô phải gấp gọn gàng hoặc treo lên như thế nào…, ba mẹ đều nên nói cho trẻ biết và hiểu. Qua đó, bản thân các bạn nhỏ sẽ ý thức được những công việc, hoạt động mà chúng có thể làm khi không có ba mẹ ở bên.
3. Xây dựng bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình
Theo quan niệm truyền thống, các bậc ba mẹ thường cho rằng người lớn nên làm giúp trẻ mọi công việc từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nhưng trong giáo dục trẻ bằng phương pháp Montessori, sự tự lập của trẻ được phát huy cao độ cũng từ chính những công việc đơn giản, nhỏ bé. Montessori dành riêng một lĩnh vực mang tên Thực hành cuộc sống để dạy trẻ cách thức làm việc. Từ việc lau bàn ghế, rửa chén, làm bếp,… tất cả đều được “gói gọn” trong những hoạt động thực hành sinh động, tỉ mỉ và chỉn chu với những giáo cụ chân thực và cụ thể.
Và để áp dụng đúng tinh thần Montessori trong dạy con tự lập, ba mẹ hãy xây dựng bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình. Ở đó, người lớn sẽ quy định rõ đâu là công việc của bản thân, đâu là công việc của trẻ. Việc cho trẻ tham gia vun đắp tổ ấm sẽ khiến các con cảm thấy vui vẻ và hãnh diện, tự hào hơn vì là một thành viên có ích trong gia đình.
“Trong giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi, ba mẹ nên phân việc dọn cơm, quét góc nhỏ cho bé, lau góc bàn ăn. Lên 4 đến 5 tuổi, hãy để bé chủ động làm những công việc như lui chùi đồ, gấp khăn ăn, bày bàn ăn, lau bát đĩa,… Trên 5 tuổi, ba mẹ có thể khơi gợi bé thực hiện các công việc nhà phức tạp hơn như phụ giúp mẹ nấu ăn, quét nhà góc rộng, chăm em,… Đặc biệt, ba mẹ cũng có thể ứng dụng của Montessori khi sử dụng nước để dạy con làm việc nhà như cho bé phụ rửa hoa quả, xếp và phân loại các loại rau củ quả,… Bởi trẻ rất thích “chơi” chơi cùng với nước.” – Hot Mom Phan Hồ Điệp cho hay.
4. Giảm nhẹ yêu cầu, khuyến khích con trong suốt quá trình làm việc
Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi vốn là giai đoạn “cực kỳ” nhạy cảm ở trẻ. Những đứa trẻ non nớt và rất dễ tổn thương. Vì vậy, người lớn nên hạn chế tối đa sự áp đặt và yêu cầu của bản thân đối với công việc trẻ làm. Đôi khi, dù vô tình nhưng những lời chê bai, những thái độ cau mày, nhăn mặt của ba mẹ khi con làm sai cũng đủ để khiến trẻ cảm thấy buồn rầu và chán nản. Thay vào đó, hãy khích lệ con bằng những lời động viên và ghi nhận thành quả chúng đạt được.
Việc tạo động lực cho con trong suốt quá trình làm việc không chỉ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, luôn biết cố gắng, nỗ lực để đạt được thành tựu mà còn hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, tổn thương ở trẻ.
5. Bản thân ba mẹ phải là người bản lĩnh và hiểu biết
Những quan niệm về dạy con tự lập luôn khác nhau ở mỗi giai đoạn. Người lớn không thể duy trì hay cổ xúy cho tư tưởng bao bọc con cái quá mức từ thời xa xưa. Thay vào đó, trong hành trình dạy con tự lập, bản thân ba mẹ cũng phải là những người hiểu biết và bản lĩnh. Hiểu biết khi lựa chọn đúng phương pháp dạy con để phát huy tinh thần tự lập của trẻ từ khi còn nhỏ. Bản lĩnh nằm ở chỗ không dao động trước những quan niệm cũ kỹ, đùm bọc con vô độ.
Hãy kiên nhẫn chờ đợi con thực hiện, hãy để con được tự làm những công việc theo khả năng. Và trong suốt quá trình cùng con tự lập, dành thời gian đặc biệt cho con để lắng nghe lời nói, hành động của con cũng là cách giúp ba mẹ thấu hiểu, hỗ trợ và gắn kết cùng con trong từng cách xử lý, giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
Những điều tinh tế trong môi trường được chuẩn bị sẵn sàng sẽ chính là “cái nôi” nuôi dưỡng tinh thần tự lập ở mỗi đứa trẻ. Và ba mẹ chính là những người tạo nên mọi điều đặc biệt như vậy trong tuổi thơ của con. Với các ba mẹ, hành trình dạy con tự lập theo phương pháp Montessori vốn không dễ dàng nhưng nếu biết kiên trì và áp dụng đúng phương pháp giáo dục trẻ, ba mẹ chắc chắn sẽ có những em bé tự lập, tự giác, chủ động sáng tạo và trưởng thành trong hạnh phúc.
Hi vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ.