Suy dinh dưỡng hay béo phì đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa hợp lý, trong đó vấn đề dinh dưỡng trong các trường mầm non đóng vai trò quan trọng.
Đối với các trẻ trong trường mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo), nhà trường có vai trò rất quan trọng đối với chế độ dinh dưỡng của trẻ.Đối với trẻ dưới 2 tuổi – đối tượng còn bú sữa mẹ – để đảm bảo đủ dinh dưỡng và giúp trẻ phát triển tốt, các bà mẹ cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; từ tháng thứ 7 trở đi, ngoài việc bú mẹ, cần cho trẻ ăn dặm (ăn sam) và cho trẻ bú tới 2 tuổi. Chế độ ăn dặm của trẻ phải đảm bảo đủ năng lượng, thành phần đủ 4 nhóm thực phẩm (chất đạm, chất béo, chất bột và chất khoáng, vitamin).
Đối với trẻ 3-4 tuổi, nhu cầu năng lượng một ngày trung bình từ 1.400-1.600Kcal; còn trẻ 5-6 tuổi, nhu cầu năng lượng trung bình khoảng 1.800Kcal, chia làm 4-5 bữa ăn. Thời gian ở trường, trẻ cần được ăn tối thiểu một bữa chính và 1-2 bữa phụ, nhu cầu về năng lượng chiếm 50%-60% nhu cầu năng lượng cả ngày. Đối với trẻ bình thường, tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng trung bình: Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 12-15% năng lượng khẩu phần; Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 15-25% năng lượng khẩu phần; Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 60-73% năng lượng khẩu phần. Đối với trẻ béo phì, do năng lượng cung cấp chủ yếu từ chất béo và chất bột đường nên các chất này đối với trẻ béo phì cần duy trì ở mức tối thiểu (tức là chất béo cung cấp 15% và chất bột đường cung cấp 60% năng lượng khẩu phần), đồng thời tăng cường cho trẻ tích cực vận động. Bên cạnh đó, phải bổ sung các loại rau, củ, quả… để cung cấp các chất khoáng và vitamin. Nhìn chung các chất dinh dưỡng trên có nhiều trong gạo, đậu, đỗ, thịt, cá, trứng, tôm, rau, đậu, lạc, mè, dầu mỡ, các loại rau, củ, quả và những loại thực phẩm khác, sẵn có tại địa phương. Nhà trường cần chú trọng việc phối hợp, cân đối các loại thực phẩm trong điều kiện của mình, chế biến nhiều món ăn, tạo sự thèm ăn và ăn ngon miệng của trẻ.
Đặc biệt đối với trẻ, ngoài nhu cầu về các chất dinh dưỡng chủ yếu cung cấp năng lượng, nhu cầu của trẻ về một số chất khoáng và vitamin giúp cho sự phát triển thể chất và trí tuệ là vô cùng cần thiết. Acid folic, chất sắt đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển và bảo vệ các hồng cầu. Vì thế, nếu thiếu nhiều acid folic, chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, trẻ thường mệt mỏi, mau quên. Các chất này có nhiều trong ngũ cốc, các loại thịt có màu đỏ, gan, cá hồi, cá ngừ, tôm, cua, thịt gà, rau cải có lá xanh đậm. Vitamin A có tác dụng phòng tránh bệnh khô giác mạc (có thể dẫn tới mù lòa). Beta-carotene (tiền Vitamin A) có nhiều trong các loại rau cải có lá màu xanh đậm, những loại trái cây có sắc vàng… Chất Kẽm giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng. Thịt và hải sản là nguồn cung cấp kẽm rất lớn. Ngoài ra, có thể cho trẻ dùng thêm các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, bí đỏ… Đối với chất Canxi, do xương và răng của trẻ trong giai đoạn phát triển, cần chất dinh dưỡng nên buộc phải có canxi để bổ sung cho răng và xương chắc khỏe. Nguồn cung cấp canxi là sản phẩm từ sữa, bơ, yaourt, nước cam, rau xanh, sản phẩm đậu nành hoặc từ các thực phẩm: cá con (nấu nhừ ăn cả xương), tôm tép, cua, đậu, mè, tàu hũ, rau xanh đậm…
Bên cạnh việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho trẻ, cần cung cấp đầy đủ nước uống cho các cháu. Hàng ngày, trẻ cần được uống nước đầy đủ, nhất là về mùa hè. Lượng nước cần đưa vào cơ thể trẻ (dưới dạng nước uống, thức ăn, hoa quả) từ 1,6-2 lít nước/ngày; không nên để trẻ quá khát mới uống hoặc uống một lần quá nhiều và không nên cho trẻ uống nhiều nước trước bữa ăn.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ; khám sức khỏe định kỳ; hướng dẫn vệ sinh cá nhân; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]