Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Một đứa con khỏe mạnh, phát triển tốt về cả thể chất, tinh thần, xã hội luôn là mơ ước của các bậc làm cha mẹ. Hơn nữa “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” như vậy việc chăm sóc trẻ, phòng chống tai nạn, thương tích và đảm bảo an toàn cho trẻ không những là điều cần thiết cho các ông bố bà mẹ hay giáo viên mầm non mà còn là nghĩa vụ đối với toàn xã hội.
Những việc vệ sinh hay tổ chức giờ ăn – ngủ cho các em tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu chúng ta không được rèn luyện các kỹ năng khoa học thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, ở mỗi giáo viên – người tiếp xúc trực tiếp với trẻ hằng ngày, các thao tác sơ cấp cứu, xử lý tình huống luôn cần được cập nhật, đào tạo để các cô tự tin hơn trong việc chăm sóc trẻ hằng ngày.
Từ đó, một số điểm lưu ý quan trọng cần nhớ khi chăm sóc trẻ:
6 chữ vàng trong nguyên tắc rửa tay
- Lòng: Lòng bàn tay cọ sát vào nhau
- Mu bàn tay: dùng lòng bàn tay này cọ rửa trên mu bàn tay kia và ngược lại
- Kẽ: các ngón tay đan xen với nhau cọ rửa
- Cái: nắm ngón tay cái và xoay nhẹ
- Xoay: Chụm các đầu ngón tay này xoay trên lòng bàn tay kia
Chăm sóc trẻ khi chảy máu cam
- Dùng ngón trỏ & ngón cái bóp chặt 2 bên cánh mũi của trẻ
- Đặt trẻ ngồi hơi cuối về phía trước và hướng dẫn trẻ thở bằng miệng
- Chườm khăn lạnh trên trán của trẻ
Chăm sóc trẻ khi trẻ có vết thương chảy máu
- Rửa vết thương dưới vòi nước sạch. sau đó đến oxy già
- Cầm máu. Đặt gạc vô trùng lên vết thương và ấn chặt đến khi máu ngừng chảy
- Chuyển đến trạm y tế gần nhất
- Lưu ý: người xử lý vết thương phải sát trùng tay và dụng cụ trước khi thực hiện
Quy tắc RICE khi xứ lý vết thương bong gân
- R: Rest – cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển
- I: Ice – chườm lạnh
- C: Compression – băng ép cố định
- E: Elevation – kê cao vết thương
Khi trẻ bị bong gân, người xử lý cần giúp trẻ bình tĩnh và hạn chế di chuyển trẻ
Khi trẻ bị sốt cao và co giật, cần lưu ý
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
- Uống nhiều nước
- Lau mát bằng nước ấm vào các vùng động mạch như trán, nách, bẹn (nhiệt độ nước phải thấp hơn cơ thể 20C)
- Khi trẻ có biểu hiện co giật, đặt trẻ nằm nghiêng ở vị trí an toàn.
- Đưa trẻ đến phòng y tế gần nhất
- Lưu ý KHÔNG dùng nước đá để chườm, không cho ngậm chanh
Xử lý tắc nghẽn đường thở ở trẻ từ 1 – 6 tuổi
- “Con có sao không?” Nếu trẻ còn trả lời được hoặc ho thì người lớn không can thiệp, hướng dẫn trẻ tự đưa dị vật ra ngoài (khạc, phun…) và sau đó đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.
- Nếu trẻ không thể nói hoặc ho được, lập tức áp dụng phương pháp Heimlich. Để trẻ nôn dị vật ra ngoài và đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất
- Nếu trẻ ngưng tim thì ấn tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho đến khi có y tế đến trợ giúp.
- 115 là số điện thoại cấp cứu cần nhớ