Nhiều ông bố bà mẹ thường coi trọng điểm số ở trường và hoạt động ngoại khóa của con. Họ luôn muốn thúc ép trẻ học hành nghiêm túc, làm bài tập về nhà đầy đủ, đến lớp học đàn đúng giờ. Đôi khi, họ không mấy để ý đến việc dạy trẻ trở thành người tử tế, điều có lẽ còn quan trọng hơn điểm tốt, giải thưởng và danh hiệu. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các phụ huynh muốn dạy trẻ trở thành người tốt.
1. Dạy trẻ đồng cảm với người khác
Trí thông minh cảm xúc (EQ), hay khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để xem xét cảm xúc và suy nghĩ của họ, là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở người tốt. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng EQ cao sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.
Để dạy trẻ về sự đồng cảm, bạn hãy khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc và giúp trẻ biết rằng bố mẹ rất quan tâm đến điều đó. Khi trẻ cãi nhau với bạn, hãy yêu cầu trẻ tưởng tượng xem người bạn kia cảm thấy thế nào về tình huống đang trải qua, đồng thời học cách quản lý cảm xúc, tìm hướng giải quyết mâu thuẫn tích cực.
2. Dạy trẻ và khuyến khích trẻ bảo vệ những người xung quanh
Dù những câu chuyện về bạo lực học đường nhan nhản trên mặt báo, bạn hãy cho trẻ đọc tin tốt về những bạn đồng trang lứa. Từ đó, bạn khuyến khích trẻ làm những điều giản dị giúp một ngày của ai đó trở nên tốt đẹp hơn, chẳng hạn vỗ nhẹ vai khi một người bạn gặp chuyện buồn.
Ngoài ra, bạn nên nói về tác hại của những hành vi tiêu cực như bắt nạt hay ngồi lê đôi mách.
3. Dạy trẻ làm tình nguyện
Hành động tình nguyện xuất phát từ những tình huống rất đơn giản trong cuộc sống. Chẳng hạn, trẻ có thể dọn cỏ trong vườn nhà của bà cụ hàng xóm, giúp bố mẹ đóng gói đồ ăn để mang đi quyên góp cho người nghèo. Khi giúp đỡ người khác, trẻ học cách nghĩ về nhu cầu của những người kém may mắn hơn mình, tự hào về bản thân vì góp phần tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
4. Không treo thưởng cho những hành động tử tế
Điều bạn cần nhớ khi khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác là không treo thưởng cho mỗi hành động tốt. Bằng cách đó, con bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ “tình nguyện” và biết rằng phần thưởng chính là cảm giác hạnh phúc khi hành động của mình giúp ích cho ai đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên tảng lờ mọi hành động tốt của con. Thi thoảng, bạn có thể đưa con đi chơi công viên hoặc tặng một món quà nhỏ để khen ngợi vì đã làm người tử tế.
5. Dạy trẻ cách cư xử đúng mực
Trẻ có biết nói lời cảm ơn với người khác hay sử dụng cách gọi thích hợp cho người lớn tuổi? Trẻ đã học được những quy tắc cơ bản trên bàn ăn? Khi thua cuộc trong một trò chơi với bạn bè, trẻ có phản ứng đầy hậm hực?
Hãy nhớ rằng bạn đang nuôi dạy trẻ với mục đích để nó biết cách bước ra ngoài thế giới và tương tác với mọi người trong suốt quãng đời còn lại. Bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cách cư xử đúng mực cho trẻ.
6. Đối xử tốt và tôn trọng trẻ
Hãy suy nghĩ về cách bạn nói chuyện với con. Bạn có gắt lên khi không hài lòng về điều gì đó? Bạn có mất bình tĩnh và dùng những lời lẽ không hay? Hãy xem xét cách nói chuyện, hành động và thậm chí cách suy nghĩ của bạn, cố gắng chọn giọng điệu thân thiện và lịch sự ngay cả khi nói về hành vi sai trái của con.
7. Nghiêm túc kỷ luật con
Khi phụ huynh không đặt ra giới hạn, quy tắc nào và dễ dãi với mọi hành vi của trẻ, trẻ sẽ trở thành người ích kỷ, hay cáu bẳn và không hạnh phúc. Những đứa trẻ biết được kỳ vọng của bố mẹ về hành vi của mình sẽ sống có trách nhiệm, tự lập, có khả năng đưa ra lựa chọn tốt và dễ kết bạn hơn. Do đó, ngay khi nhìn thấy các vấn đề về hành vi ở trẻ như nói dối hoặc cãi ngang, bạn hãy giải quyết bằng tình yêu thương, thấu hiểu và sự kiên quyết.
8. Dạy trẻ lòng biết ơn
Cho dù đó là một bữa ăn mà bạn dày công chuẩn bị hay một món quà sinh nhật từ ông bà, trẻ cần cảm thấy biết ơn và học cách bày tỏ lòng biết ơn. Trẻ có thể học điều này bằng cách luyện thói quen viết thiệp cảm ơn mỗi khi nhận quà.
9. Phân công việc nhà cho trẻ
Khi trẻ được giao danh sách công việc phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn xếp bát đũa lên bàn ăn hay quét nhà, chúng sẽ xây dựng ý thức trách nhiệm và cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành công việc.
10. Làm gương cho trẻ
Hãy xem xét cách đối xử của bạn với người khác, ngay cả khi trẻ không đứng đó để chứng kiến. Bạn có nói cảm ơn với nhân viên bán hàng ở siêu thị hay không? Bạn có tránh xa việc đưa chuyện làm quà giữa những người hàng xóm hoặc đồng nghiệp? Bạn có nói chuyện với nhân viên phục vụ ở quán ăn bằng giọng điệu thân thiện? Nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ tử tế, hãy nhớ rằng chính bạn là tấm gương gần nhất để trẻ noi theo.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]