Đam mê kinh doanh dẫn lối
Đầu những năm 2000, khi vừa rời giảng đường đại học, Trần Trọng Hiếu được tuyển dụng vào làm việc tại Tổng công ty Sông Đà, một doanh nghiệp nhà nước hàng đầu lúc bấy giờ. Tám tháng sau đó, anh tìm được cơ hội mới tại một công ty nước ngoài, mà như anh tiết lộ có mức thu nhập “người nước ngoài còn thấy hoa mắt chóng mặt”.
Khởi đầu công việc của anh thuận lợi hơn so với rất nhiều người, nhưng những yếu tố như thương hiệu công ty, mức thu nhập từ doanh nghiệp làm thuê cũng không giữ nổi chân anh. Trần Trọng Hiếu quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc mở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước tinh khiết.
“Trong kinh doanh phải chấp nhận điều này. Nó giống như chơi thể thao, bạn không thể thắng mọi giải đấu. Nhưng làm sao để thất bại cái này, vẫn có những cái khác và không bị rơi vào cảnh đổ bể toàn diện”.
– Chủ tịch IDJ Trần Trọng Hiếu.
Dù công ty gây dựng được mạng lưới khách hàng khá ổn định, nhưng chỉ sau 1 năm, anh nung nấu ý định bán doanh nghiệp đầu tay. Nguyên nhân dẫn đến kết thúc này là do lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nước tinh khiết quá dễ làm, nên có quá nhiều doanh nghiệp tham gia.
Việc cạnh tranh giành khách hàng giữa các doanh nghiệp đã kéo giá bán về gần mức giá gốc, lợi nhuận còn lại vì vậy rất thấp. Anh chia sẻ, từ việc kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, anh rút ra kinh nghiệm xương máu: “Không bao giờ kinh doanh những sản phẩm dễ làm”!
Quyết định bán doanh nghiệp khi không còn mặn mà với công việc kinh doanh cũ, nhưng việc tìm người mua lại không dễ, dù anh biết chắc chắc trên thị trường vẫn có nhiều người đang muốn tham gia vào lĩnh vực này. Và nếu họ mua lại doanh nghiệp của anh, chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn so với việc tự lập doanh nghiệp từ đầu và còn tiếp quản được hệ thống khách hàng sẵn có của công ty anh. Bởi thời điểm đó (2003 – 2004), trên thị trường, hầu như không có kênh nào để người mua, người bán doanh nghiệp gặp nhau.
Cũng chính từ những khó khăn của bản thân trong thương vụ bán doanh nghiệp đầu tay, anh nảy ra ý tưởng tạo kênh mua – bán doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu rất lớn trên thị trường. Sau đó, website muabandoanhnghiep.com do anh xây dựng đã trở thành trang web đầu tiên tại Việt Nam kết nối các bên có nhu cầu mua bán doanh nghiệp.
“Dịch vụ này nhanh chóng gặt hái được thành công. Việc mua bán không dừng lại ở các doanh nghiệp, mà cả các dự án đầu tư, xây dựng. Nhờ đó, tôi có cơ hội gặp gỡ, quen biết nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi đã tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm mua cổ phần hoặc dự án tại doanh nghiệp trong nước”, anh chia sẻ.
Cũng chính những nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản khuyến khích anh tạo nên mô hình lớn hơn, thay vì là một trang web đơn thuần. Kết quả là IDJ Connection ra đời, khởi đầu cho sự hình thành của IDJ Group.
Không lâu sau đó, Trần Trọng Hiếu tiếp tục thành lập IDJ Financial (IDJF) với số vốn điều lệ là 149,6 tỷ đồng (nay là IDJ Investment), bắt đầu các dự án đầu tư đầu tiên là phát triển Trường quốc tế song ngữ Ha Noi Academy, mua lại Trung tâm Thương mại Grand Plaza và một số khu resort…
Nhìn lại chặng đường kinh doanh đó, vị Chủ tịch IDJ Group thừa nhận, đam mê kinh doanh luôn cháy bỏng trong mình. Và trên hành trình thực hiện đam mê đó, “mỗi khi một ý tưởng kinh doanh cũ tắt đi thì sẽ sáng lên những ý tưởng mới”. Cứ thế, hoạt động kinh doanh lớn dần nhờ không ngừng đam mê và nỗ lực.
Năm 2009, Grand Plaza được IDJ Group mua lại từ chủ đầu tư Charmvit (Hàn Quốc) với mức giá 50 triệu USD và đến năm 2010, trung tâm thương mại này chính thức được khai trương. Đáng tiếc, chưa đầy 2 năm sau, Grand Plaza buộc phải đóng cửa do tỷ lệ lấp đầy gian hàng quá thấp, tiền cho thuê không đủ bù đắp chi phí vận hành.
Việc đóng cửa của Grand Plaza cũng là câu chuyện chung của nhiều trung tâm thương mại tại Việt Nam, nhưng Chủ tịch IDJ Group thừa nhận, diễn biến này đã làm anh xuống tinh thần khá nhiều. Bởi trước đó, anh rất tự tin vào triển vọng kinh doanh lợi nhuận của Grand Plaza.
Nhìn lại câu chuyện này, doanh nhân cho biết, những trung tâm thương mại không chuyên nghiệp phải đóng cửa thì đã đành, mà ngay cả những công ty chuyên nghiệp, thương hiệu lớn cũng không thể tồn tại.
Ngành bán lẻ là ngành rất khốc liệt và phù thuộc vào điều kiện kinh tế của thị trường rất nhiều. Khi sức mua của thị trường đã yếu, nhà bán lẻ có giỏi đến đâu cũng không chống đỡ được. Chẳng hạn Parkson, hãng bán lẻ nổi tiếng của Malaysia với tài sản lên tới hàng tỷ USD cũng phải chấp nhận thất bại tại thị trường Việt Nam và một số nước khác.
“Trong kinh doanh phải chấp nhận điều này. Nó giống như chơi thể thao, bạn không thể thắng mọi giải đấu. Nhưng làm sao để thất bại cái này, vẫn có những cái khác và không bị rơi vào cảnh đổ bể toàn diện”, anh chia sẻ.
IDJ Group hiện có 6 công ty hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau và theo anh sẽ giúp phân tán rủi ro hoạt động. Các công ty đều không chịu áp lực trả nợ vay.
“Trước đó, để mua được các dự án, IDJ đã mạnh dạn vay rất nhiều. Nhưng khi thấy nền kinh tế đi xuống, tôi quyết định bán bớt tài sản, giảm gánh nặng tài chính”, anh kể.
Với Chủ tịch IDJ Group, Grand Plaza là dự án chưa thành công, chứ không phải không thành công. Hiện tại, Grand Plaza tạm thời chuyển đổi thành siêu thị nội thất, nhưng anh cho biết, với vị trí vàng, chất lượng xây dựng cao cấp, một khi nền kinh tế tăng trưởng khởi sắc hơn, trung tâm thương mại này sẽ trở lại với một mô hình kinh doanh phù hợp hơn.
Mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ
Khởi đầu với với lĩnh vực kinh doanh tài chính, rồi bất động sản, nhưng đến nay, giáo dục lại được IDJ Group xác định là mảng kinh doanh cốt lõi. Định hướng này đến từ những trải nghiệm của cá nhân Chủ tịch Công ty.
Có cơ hội làm việc và học tập tại nước ngoài, Trần Trọng Hiếu càng thấm thía về sự cần thiết phải đầu tư cho giáo dục. “Giáo dục chính là “nhân” để có được “quả” là một đất nước phát triển”, anh chia sẻ. Tư duy lấy giáo dục làm gốc, sau Hanoi Academy, Học viện Sáng tạo và Khởi nghiệp IDJ đang là nơi gửi gắm tâm huyết của anh về sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Từng chắp nối nhịp cầu cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài với dự án khởi nghiệp, anh nhận xét: Nhiều doanh nhân Việt có ý tưởng kinh doanh rất hay, nhưng luôn gặp một trở ngại là không có kiến thức bài bản về xây dựng dự án kinh doanh, nên khi thuyết trình khó hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Kinh doanh là một nghề nghiệp rất khó, đòi hỏi phải được học quản trị một cách tương đối căn bản mới có thể biến những ý tưởng những đam mê thành doanh nghiệp có thể sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ được xã hội chấp nhận.
Mong muốn lớn nhất của anh là hỗ trợ những người trẻ tham gia khởi nghiệp có được kiến thức và kinh nghiệm thành công của người đi trước, từ đó tránh được những vết xe đổ trên bước đường kinh doanh.
Ngay sau khi Học viện được thành lập vào tháng 11/2016, khóa đào tạo đầu tiên về khởi nghiệp đã được khai giảng, đón học viên. Bận rộn với công việc điều hành Tập đoàn, song anh luôn đồng hành cùng với các chuyên gia trong mỗi buổi học, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh cho các học viên cũng như những kiến thức, kinh nghiệm mà anh đúc rút được từ thực tiễn gần hai chục năm lăn lộn với thương trường…
Khởi nghiệp từ lứa tuổi đôi mươi, doanh nhân Trần Trọng Hiếu đang bắt đầu những bước đi đầu tiên trong hành trình nuôi dưỡng khát vọng và hành trang tri thức cho những người trẻ khởi nghiệp hôm nay.