Phát Triển Kỹ Năng Xã Hội Và Cảm Xúc Của Giáo Viên

 

Kỹ năng xã hội và cảm xúc của giáo viên là rất quan trọng trong việc giúp họ tránh bị kiệt sức, gia tăng hạnh phúc và xây dựng một môi trường học tập tích cực. Giáo viên có thể bắt đầu phát triển trí thông minh cảm xúc của mình bằng cách rèn luyện sự tự nhận thức. Khi chúng ta chú ý đến cảm xúc của mình, chúng ta tự chủ và đưa ra quyết định tốt hơn. Làm thế nào để bạn rèn luyện sự tự nhận thức trong cuộc sống hàng ngày của bạn?

Kỹ năng xã hội và cảm xúc giúp giáo viên không bị rơi vào tình trạng kiệt sức và tăng cường sức khỏe. Bằng cách xác định các “bộ xử lí” bên trong cơ thể, chúng ta sử dụng trí thông minh cảm xúc để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Cảm xúc là nền tảng cho những gì mà chúng ta đang làm. Các nhà giáo dục bắt đầu công việc giảng dạy với ước mơ được giúp đỡ những đứa trẻ thiệt thòi, truyền cảm hứng cho tình yêu học tập hoặc dìu dắt các nhà tư tưởng trong tương lai. Thật không may, nghiên cứu cho thấy rằng 40-50% giáo viên sẽ bỏ nghề trong vòng 05 năm đầu tiên đi dạy. Căng thẳng giữa các giáo viên đã đạt đến mức chưa từng có và theo cuộc khảo sát mới nhất của MetLife về giáo viên Mỹ, hơn một nửa số giáo viên cho biết “bị căng thẳng cực độ ít nhất vài ngày một tuần”. Giảng dạy là một công việc thiên về cảm xúc và giáo viên cần được hỗ trợ trong việc củng cố các kỹ năng xã hội và tình cảm để kiểm soát sự căng thẳng đi kèm với việc dạy và theo nghề lâu dài.

Phát Triển Kỹ Năng Xã Hội Và Cảm Xúc Của Giáo Viên
Kỹ năng xã hội và cảm xúc (SEC) là rất quan trọng để tránh bị kiệt sức và mang đến hạnh phúc cho giáo viên. Cân bằng cảm xúc và cảm giác của chính mình trước khi phản ứng với hành vi sai trái của học sinh, thư giãn sau một ngày bận rộn hoặc xác định các “bộ xử lí” bên trong cơ thể là cách sử dụng trí thông minh cảm xúc để cảm thấy tốt hơn với bản thân và thế giới xung quanh. Vì những năng lực này thường không được dạy trong các khóa đào tạo chuyên môn bắt buộc hoặc chương trình chuẩn bị giáo viên (có một vài ngoại lệ như Đại học San Jose State ở California hoặc Đại học British Columbia ở Canada), chúng ta không thể giả định rằng tất cả các nhà giáo dục đều có trí thông minh cảm xúc như nhau. Một số kỹ năng có thể đến một cách tự nhiên đối với một số giáo viên, trong khi những kỹ năng khác có thể đòi hỏi nhiều sự chú ý và phát triển thêm. Giống như học sinh, tất cả chúng ta đều có điểm mạnh – và một số thử thách!

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh học tốt hơn trong môi trường an toàn và được hỗ trợ. Điều này cũng đúng cho người lớn. Năng lực xã hội và tình cảm bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Nếu môi trường làm việc của bạn đầy những tin đồn và lời phàn nàn, bạn sẽ có xu hướng thể hiện nhiều hành vi tiêu cực hơn; trái lại, làm việc trong một trường học sẵn sàng hỗ trợ và cởi mở, bạn sẽ có khuynh hướng kiểm soát thành công sự căng thẳng và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Hãy suy nghĩ về nơi làm việc hiện tại của bạn. Nó ảnh hưởng đến hành vi của bạn và cách bạn giao tiếp với học sinh, đồng nghiệp như thế nào? Bạn có thể thể hiện mặt tích cực của mình không? Nhận thức được cách môi trường làm việc ảnh hưởng đến hành vi của bạn sẽ giúp bạn thực hiện các lựa chọn khác nhau nếu cần thiết.

 

Tại sao giáo viên nên phát triển Kỹ năng xã hội và cảm xúc?

Dựa trên nghiên cứu hiện tại, có ba cách mà năng lực xã hội và tình cảm của giáo viên ảnh hưởng đến học sinh và môi trường học tập:

1. Kỹ năng xã hội và cảm xúc của giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ giáo viên – học sinh.
Các giáo viên bình tĩnh, tích cực và cởi mở có nhiều khả năng “trị” được học sinh sôi nổi quá và nhạy cảm, ngay cả khi học sinh cư xử theo những cách đầy thử thách.

2. Giáo viên định hướng Kỹ năng xã hội và cảm xúc cho học sinh, vô tình hay cố ý.
Giáo viên xử lí các tình huống căng thẳng mỗi ngày – và học sinh đang chú ý! Họ học hỏi cách giáo viên làm dịu sự thất vọng, đối phó với xung đột hoặc duy trì quyền kiểm soát trong lớp học.

3. Kỹ năng xã hội và cảm xúc của giáo viên ảnh hưởng đến việc tổ chức và quản lý lớp học.
Giáo viên phải duy trì một thái độ bình tĩnh, tự chủ và xây dựng niềm tin xã hội nếu họ muốn một lớp học được tổ chức tốt nhằm khuyến khích sự sáng tạo hoặc quyền tự chủ của học sinh.

 

Giáo viên làm thế nào để có thể phát triển Kỹ năng xã hội và cảm xúc của họ?

Lên kế hoạch sử dụng trí thông minh cảm xúc (EQ) trong cuộc sống hàng ngày. Mô hình EQ này bắt đầu với ba mục đích quan trọng: có ý thức hơn, tự giác hơn tự chủ hơn.

  • Tự nhận thức có nghĩa là nhìn thấy rõ ràng những gì bạn cảm nhận và làm, biết những điểm mạnh và thách thức, đồng thời nhận ra các mẫu hành vi của bạn.
  • Tự giác có nghĩa là chủ động ứng phó với các tình huống thay vì phản ứng thụ động.
  • Tự chủ có nghĩa là biến tầm nhìn thành hành động, biết mục đích của bạn và làm việc vì một lý do.

Chúng ta có cảm xúc mọi lúc nhưng chúng ta hiếm khi tạm dừng để suy nghĩ về cảm xúc là gì hoặc chúng ảnh hưởng đến việc học như thế nào. Trong mô hình EQ này, bước đầu tiên là phát triển và nuôi dưỡng sự tự nhận thức. Nhận thức về cảm xúc bắt đầu với khả năng xác định cách cảm nhận, không chỉ những cảm xúc bề mặt (những điều hiển nhiên), mà còn là những cảm giác ẩn giấu.

 

[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]