Nhiều người Việt Nam vẫn quan niệm coi trọng việc phát triển trí tuệ hơn phát triển thể chất. Điều này thể hiện rất rõ trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam nói chung cũng như cách dạy con trẻ nói riêng. Có lẽ điều này được tạo nên là do các bậc phụ huynh cũng như thầy cô chưa hiểu hết được hết ý nghĩa của các phương pháp giáo dục thể chất đặc biệt là giáo dục thể chất cho trẻ mầm non. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em mầm non cũng quan trọng như việc phát triển trí tuệ của trẻ.
Đây là giai đoạn khi trẻ đang ở trong những năm đầu đời của sự phát triển, những năm tháng định hình tính cách cũng như suy nghĩ sau này của trẻ. Bởi vậy, việc tiếp cận nhiều với các môn thể dục thể thao giúp trẻ rèn luyện được nhiều đức tính tốt đẹp, đặc biệt là thói quen rèn luyện thể thao. Hơn thế nữa, việc tiếp xúc nhiều với các môn thể thao sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển về thể lực của trẻ, là tiền đề để phát triển trí lực. Bởi có sức khoẻ tốt thì trẻ mới có thể học tập tốt được. Do đó, việc áp dụng các phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non lại càng mang nhiều ý nghĩa.
Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em mầm non nên được tiến hành như thế nào? Đâu là phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ một cách đơn giản và hiệu quả? Đây dường như là những câu hỏi luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của toàn xã hội.
Theo một nghiên cứu, có 3 phương pháp chính trong việc giáo dục thể chất cho trẻ em mầm non.
- Phương pháp dùng lời nói: Giáo viên gọi tên bài tập, giải thích từng phần, mệnh lệnh, giảng giải, giải thích thêm về cách và trình tự thực hiện cho trẻ: “Hãy nhớ lại, nói cho cô và các bạn nghe: Khi… thì tay phải như thế nào?” Phương pháp dùng lời nói giúp trẻ quan sát có mục đích, hiểu sâu hơn nội dung và cấu trúc động tác, vận động, tạo điều kiện cho trẻ tiếp thu nhiệm vụ vận động chính xác và đầy đủ hơn
- Phương pháp trực quan: Làm mẫu toàn bộ vận động rõ ràng, đúng nhịp điệu, kèm theo lời giải thích để tạo cho trẻ có khả năng tiếp thu toàn vẹn về hình ảnh động tác vận động mà trẻ sắp phải tập. Việc làm mẫu đúng, đẹp sẽ gây hứng thú tích cực cho trẻ, làm cho trẻ thích thực hiện vận động đúng, đẹp như cô giáo. Phương pháp này tạo cho trẻ khái niệm thị giác, thính giác và cảm giác cơ về vận động, đảm bảo cho việc nhận thức rõ ràng và cảm giác vận động của trẻ
- Phương pháp thực hành: Lặp lại vận động nhiều lần. Giúp hình thành cho trẻ kĩ năng vận động, kĩ năng tự vận động, biết vận dụng chúng vào thực tế vui chơi và các tình huống trong sinh hoạt, làm giàu vốn kiến thức, tạo điều kiện cho trẻ vận dụng những kĩ năng vận động đó 1 cách hợp lí. Bởi chỉ qua luyện tập, trẻ mới hiểu và nhớ được trình tự vận động, cảm giác được phương hướng của vận động, tốc độ di động của cơ thể, nhịp điệu của động tác, sự phối hợp dùng sức của các cơ co, duỗi nhịp nhàng.
Một trong những lưu ý quan trong khi áp dụng các phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em mầm non đó là chú trọng vào việc phát triển khả nặng tự tư duy, độc lập và trải nghiệm thực thế. Vì vậy, các bậc phụ huynh, các giáo viên không nên quá bao bọc con, cần cho các con có không gian tự sáng tạo và tự trải nghiệm, tự bộc lộ cá tính.
Việc áp dụng các phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non một cách hệ thống và khoa học sẽ thúc đẩy cơ thể trẻ phát triển một cách mạnh mẽ. Đây được xem là môt “đòn bẩy” giúp trẻ phát triển thói quen hành động tập thể, có tư duy lôgic, suy nghĩ tích cực, chủ động sáng tạo và những hành vi đạo đức tốt đẹp về sau.
Bên cạnh việc chú trọng đến phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, chế độ ăn uống điều độ và đủ chất cũng cần đảm bảo cân bằng các nhóm dinh dưỡng cần thiết. Trẻ ăn uống khoa học sẽ tác động tích cực đến cơ thể. Đảm bảo cơ thể kịp thời chuyển hóa các chất dinh dưỡng cần thiết đến các cơ quan, giúp trẻ có đủ sức khỏe để thực hiện vận động thể chất.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]