Là giáo viên chắc các bạn cũng đã từng trăn trở làm thế nào để giờ học diễn ra thoải mái, nhẹ nhàng với mình cũng như học sinh và làm thế nào để học sinh có hứng thú trong việc học? Sau đây, chúng tôi đưa ra một vài phương pháp quản lý lớp học hiệu quả giúp giáo viên nâng cao công tác chủ nhiệm lớp.
Các phương pháp quản lý lớp học
Sự tự tin:
Để có 1 giờ dạy thành công, trước tiên giáo viên cần phải tự tin. Sự tự tin của giáo viên mang lại không khí vui tươi, tạo cảm hứng tích cực cho không chỉ giáo viên mà cho cả các học sinh.
Ngôn ngữ lớp học tích cực:
Hãy hướng đến việc học sinh muốn làm gì hơn là giáo viên muốn học sinh phải làm gì. Thay vì nói “Không được làm ồn” thì chúng ta hãy nói “chúng ta hãy trật tự” hoặc thay vì nói “ không nhìn lung tung nữa” thì chúng ta hãy nói “Các con nhìn vào sách nhé”.
Tổ chức lớp học tốt:
Để tổ chức được lớp học tốt, giờ dạy hiệu quả, chúng ta cần lưu ý các tiêu chí sau:
1. Quy định và chỉ rõ vị trí lấy và cất các đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh.
2. Trẻ cần biết mình có trách nhiệm và bổn phận giữ cho đồ vật đúng nơi quy định để sử dụng thường xuyên, cũng như khi có trường hợp khẩn cấp mà không mất thời gian tìm kiếm.
3. Giáo viên cần chuẩn bị bài dạy cẩn thận để các hoạt động diễn ra trong tầm kiểm soát.
4. Một bài dạy được tổ chức tốt thể hiện trong cách giáo viên chuẩn bị đầy đủ giáo cụ trực quan, các thiết bị và tất cả những thứ đó được để một cách ngăn nắp, khoa học.
Các trợ lý lớp học:
Hãy phân công cho mỗi học sinh 1 nhiệm vụ, việc này giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đặc biệt khi bạn có 1 lớp khác ngay sau đó. Chú ý dạy cho học sinh vốn từ vựng và mẫu câu cho mỗi nhiệm vụ đó. Ví dụ “Let’s clean the board!” Học sinh cũng thấy mình trở nên quan trọng hơn khi được giao 1 nhiệm vụ nào đó.
Cách bố trí lớp học:
Bố trí lớp học phù hợp, an toàn và có thể thay đổi vị trí của học sinh để các con có cơ hội khám phá khả năng của chính mình cũng như có cơ hội thiết lập mối quan hệ với nhiều bạn khác nhau.
Đốt năng lượng:
Học sinh luôn luôn đầy ắp năng lượng, những năng lượng đó đôi khi cần phải đốt cháy bớt đi. Chúng ta hãy tạo thói quen tập thể dục 3 phút (hoạt động này tốt cho việc học các động từ cơ bản): Giáo viên nói “nhảy 5 lần” và học sinh cùng nhảy, hoặc giáo viên nói “tay để lên đầu”, “tay chạm vào ngón chân”…
Chấm bài tập về nhà:
Học sinh rất tự hào khi bài tập của mình được đánh giá (thậm chí trẻ 2 tuổi cũng đã có ý thức đó). Khi đánh giá bài tập của học sinh, các bạn cần đánh giá theo hướng tích cực, mang tính khích lệ. Việc đánh giá không chỉ được thể hiện qua điểm số mà hãy sử dụng cách vẽ mặt cười, các hình dán ngộ nghĩnh, có thể thêm một lời phê ngắn gọn như “tuyệt vời”, “xuất sắc), ….Đối với học sinh lớn hơn chúng ta có thể phê dài hơn 1 hoặc 2 dòng nói về cảm nghĩ tích cực của mình với những gì con đã viết, đã làm hoặc đã vẽ, điều đó khích lệ con rất nhiều và có thể khuyến khích con đọc nhiều hơn.
Hệ thống điểm:
Hãy thiết kế một bảng tên học sinh của mình trong lớp, nếu học sinh làm một cái gì đó đặc biệt (trả lời chính xác, thắng một trò chơi, giúp đỡ các bạn khác, sử dụng Tiếng Anh một cách độc lập) sẽ nhận được một điểm, điểm được tượng trưng bằng một con tem hay một cái dấu trên bảng tên của con. Kết thúc buổi học, bạn nào có nhiều điểm nhất sẽ được một phần thưởng lớn hơn do giáo viên đã quy định từ trước. Tuy nhiên, giáo viên hãy đảm bảo mỗi buổi một học sinh khác nhau.
Lựa chọn của học sinh:
Để học sinh tham gia vào việc quyết định học gì và chơi gì sẽ khích lệ rất nhiều và tránh được tình trạng gây rối. Có một số chiến lược mà chúng ta có thể áp dụng.
1. Cho phép học sinh quyết định thứ tự các hoạt đông. (trò này hay trò kia)
2. Chắc chắn rằng tất cả học sinh trong lớp đều được lần lượt lựa chọn.
Với bài tổng kết trên đây, tôi hy vọng ít nhiều cung cấp thêm phương pháp quản lý lớp hiệu quả cho các bạn. Chúc các bạn có được những giờ dạy thành công.