Là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn ở Mỹ, STEAM đã ra đời và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nền giáo dục toàn cầu. Trên cơ sở bổ sung cho phương pháp STEM trước đó bằng cách thêm vào yếu tố nghệ thuật, STEAM đã thực sự trở thành phương pháp giáo dục hàng đầu được thế giới đánh giá cao và áp dụng phổ biến.
Ra đời từ thập kỷ trước, STEM được viết tắt bởi các từ Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kĩ thuật và Math – Toán học. Phương pháp này tập trung giảng dạy cho học sinh những kiến thức thuộc các lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, nền giáo dục tiên tiến ngày nay lại chủ trương đề cao tầm quan trọng của Nghệ thuật (Art) nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, mang đến những con nguời năng động và có vốn hiểu biết sâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó chính là lý do tại sao phương pháp STEAM ra đời.
STEAM ban đầu được bắt nguồn từ ý tưởng của Trường Thiết Kế Rhode Island – Mỹ, sau đó được nhiều nhà giáo dục áp dụng và dần dần phổ biến ra cả Hoa Kỳ. Phương pháp này được xem là mô hình giáo dục kiểu mới, kết hợp cả 5 yếu tố Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật và Toán học vào trong quá trình đào tạo, hướng dẫn học sinh. Không giống như cách thức giáo dục truyền thồng là đánh giá dựa trên tiêu chuẩn điểm số, STEAM chủ trương coi quá trình học tập và kết quả cuối cùng là quan trọng như nhau. Đây thực sự là một phương pháp hiện đại và lý tưởng, mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống.
1. Tại sao chúng ta cần Nghệ thuật?
Đổi mới thực sự không đến từ một phương trình toán học, từ chuyển giao công nghệ hay sự ra đời của các loại hóa chất mới. Nó chỉ đơn giản là nghệ thuật, thiết kế hay những gì đến từ chính con người chúng ta. Cho dù là ở lĩnh vực nào, bằng những hình thức nào – trực tiếp hay gián tiếp thì đổi mới luôn luôn gắn liền với những trải nghiệm. Mà trải nghiệm lại có được nhờ vào quá trình tương tác với nghệ thuật và những gì liên quan đến nó, chẳng hạn như nghe một bài nhạc, chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật,…Chính những điều đơn giản từ nghệ thuật sẽ giúp con người nhìn nhận và tiếp cận thế giới một cách dễ dàng, tự nhiên, trong một không gian cởi mở.
Thế giới của chúng ta được hình thành bởi những tư duy phân tích. Tuy nhiên tư duy trực giác – nghệ thuật mới là yếu tố mang lại cho chúng ta vô vàn kĩ năng. Nếu biết kết hợp hài hòa lối tư duy phân tích và tư duy nghệ thuật thì sẽ tạo ra những sự đổi mới to lớn.
Tiến sĩ Kagan – Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard thế kỷ 20 đã phát biểu: “Nghệ thuật và âm nhạc đòi hỏi người ta phải sử dụng đến kiến thức cả về biểu đồ lẫn tiến trình, chính vì vậy sẽ giúp một đứa trẻ hiểu rộng hơn và sâu hơn về một vấn đề nào đó và về thế giới này”.
2. Sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng đầu tiên của một nền giáo dục toàn diện
Để thế hệ trẻ có thể vượt qua những thử thách lớn thì đòi hỏi chúng phải có những giải pháp thực sự sáng tạo. Tuy nhiên chỉ với một mình STEM thôi thì chưa đủ. Chính sự tham gia của nghệ thuật trong phương pháp STEAM đã giúp cho việc tiếp nhận kiến thức từ những bộ môn khác được đơn giản hóa, đồng thời đảm bảo sự sáng tạo trong hành trình đổi mới sẽ không bị quên lãng và bỏ lại phía sau. Ngày nay, thay vì tìm kiếm tài năng từ những trường đại học cỡ lớn thì các công ty, tổ chức lại chuyển hướng đi tìm những nhà sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề một cách độc đáo, hoàn hảo và hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm của người dùng.
Các học sinh, sinh viên được đào tạo theo mô hình STEAM đang có tác động rất lớn vào sự phát triển và đổi mới của đất nước. Chính các em là những người tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề mang tính chất quốc gia, đưa ra những giải pháp sáng tạo cho môi trường và cho những thách thức của xã hội.
Nhìn chung, việc đổi mới từ STEM sang STEAM có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cải thiện và nâng cấp nền giáo dục của nước nhà. Cho dù bạn là ai – một nhà thiết kế, nhà khoa học, nghệ sĩ hay kỹ sư thì việc chuyển đổi sang STEAM là hết sức cần thiết, bởi sự sáng tạo luôn là điều kiện cơ bản nếu muốn phát triển ở tầm cao hơn. Không ai có thể phủ nhận những đổi mới trong cuộc sống đều bắt nguồn từ giáo dục nghệ thuật.
Hiện nay, hệ thống trường Tây Úc tại thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng phương pháp STEAM cho học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học. Phương pháp hiện đại và lý tưởng này cần được phổ biến và nhân rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Các học sinh mầm non và Tiểu học cần được thử sức với nhiều ý tưởng khác nhau nhằm giúp các em khám phá và trải nghiệm, tránh để cảm giác sợ sai chi phối khả năng của mình. Giáo viên cần biết lắng nghe trẻ trên mọi phương diện và tạo nền tảng kiến thức thực tế cho chúng ngay từ khi còn nhỏ. Còn đối với cấp bậc trung học, STEAM giúp trang bị cho các em kĩ năng đánh giá về nghề nghiệp, sở thích, cơ hội cũng như sự phát triển ở hiện tại và tương lai, từ quy mô địa phương cho đến quy mô toàn cầu.
Khi có nền tảng kiến thức chuyên sâu, các em sẽ áp dụng chúng vào thực tế thông qua các dự án và nghiên cứu cập nhật mới nhất về các lĩnh vực liên quan. STEAM còn giúp các em được thể hiện niềm đam mê, được trải nghiệm và bứt phá nhằm hoàn thiện bản thân từng ngày. Điều đó hỗ trợ rất đắc lực cho việc theo đuổi những khát vọng của các em sau khi tốt nghiệp.
Với những lợi ích mà STEAM mang lại, đây chắc chắn sẽ là phương pháp đào tạo ưu việt nhất, hứa hẹn sẽ mang đến những con người có đủ trình độ để trở thành một công dân toàn cầu trong thời buổi hội nhập.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]