Đôi khi bạn chỉ làm nó một cách tự nhiên, nhưng thực ra câu hỏi con có hiểu không? Đây là câu hỏi không thực sự tốt khi dùng để đánh giá xem học sinh có đạt được mục tiêu bài học hay không.
Với những câu hỏi như vậy, học sinh cảm thấy bắt buộc phải trả lời là có, nhưng làm thế nào để chúng ta thực sự biết rằng học sinh đã hiểu? Đối với người lớn, sẽ rất dễ để trả lời rằng “tôi chưa hiểu”, nhưng với học sinh chúng rất sợ bị cho rằng mình kém cỏi, chúng cũng sợ bị giáo viên hỏi lại là con chưa hiểu ở đâu mà kì thực chính con cũng không biết là con chưa hiểu ở chỗ nào.
Học cách đặt câu hỏi để kiểm tra khái niệm là một trong những điều đầu tiên mà mọi giáo viên phải nắm vững. Tuy nhiên, mặc dù được trang bị đầy đủ kiến thức về cách đặt câu hỏi cũng như hiểu được tầm quan trọng của chúng, nhưng giáo viên thường quay lại những cách cũ và thói quen vốn có khi hỏi học sinh “Bạn có hiểu không?” Vậy làm thế nào để kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh mà không cần hỏi: “Con có hiểu không?”
1. Đặt mình vào vị trí của học sinh
Tất cả mọi hoat động bạn tổ chức cho học sinh đều cần phải được đánh giá. Có những điều vô cùng đơn giản đối với bạn nhưng với học sinh là cả một thử thách lớn. Vì thế, bạn cần đặt mình vào vị trí của học sinh. Để thực sự hiểu cảm giác của học sinh, hãy tưởng tượng cảm giác như thế nào khi tham gia vào một hoạt động mà bạn hoàn toàn không hiểu, ví dụ, vật lý thiên văn. Hãy ghi ra những biểu hiện của bạn về trạng thái bên ngoài khi bạn không hiểu, hãy viết ra những trạng thái cảm xúc xảy đến với bạn khi bạn không hiểu nội dung của bài học. Đối với nhiều giáo viên, chúng ta bị “lời nguyền của kiến thức”, chúng ta không hình dung được những khó khăn mà học sinh gặp phải khi tiếp cận một đơn vị kiến thức mới. Vì thế nên chúng ta hỏi “các con có hiểu không?” chỉ đơn giản là để học sinh xác nhận, sau đó chúng ta chuyển sang nội dung khác.
2. Không giải thích ngay lập tức
Khi học sinh gặp một vấn đề khó khăn, chúng rất mong chờ có được đáp án hoặc lời giải thích ngay lập tức. Điều này có vẻ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhưng nó thực sự có thể gây bất lợi cho việc học tập của học sinh. Lý do chính là khi có được đáp án học sinh nhầm tưởng rằng chúng đã hiểu bài, hoặc khi nhận được lời giải thích ngay lập tức, học sinh sẽ không tư duy nữa mà chấp nhận luôn gợi ý của giáo viên.
3. Kiểm tra đánh giá bằng câu hỏi
Cách nhanh nhất để kiểm tra sự hiểu biết của học sinh là đặt các câu hỏi. Kiểm tra các hướng dẫn và thông tin mới với các câu hỏi nhanh là một cách hiệu quả để đánh giá xem học sinh có nắm bắt được không và liệu hướng dẫn của bạn đã rõ ràng hay chưa. Ví dụ, khi bạn hướng dẫn học sinh thiết kế một poster về bảo vệ môi trường. Làm thế nào bạn có thể kiểm tra xem học sinh có thực sự hiểu về việc làm poster? Hãy hỏi học sinh những câu hỏi ngắn yêu cầu câu trả lời có / không để xác định xem học sinh có biết hay không. Trong nhiều trường hợp, giáo viên có thể đặt một câu hỏi đòi hỏi học sinh suy nghĩ nhiều hơn. Đó là một ý tưởng tốt cho những học sinh có năng lực tốt hơn và nếu thời gian cho phép bạn cũng có thể yêu cầu học sinh giải thích cho câu trả lời.
Việc đặt câu hỏi dạng có / không sẽ làm giảm áp lực cho học sinh trong việc phải đưa ra câu trả lời đầy đủ. Theo cách này, bạn sẽ giúp học sinh tự tin hơn vì chúng chỉ cần nói một từ và thu được phản hồi trên toàn lớp học. Ngoài ra, các câu hỏi đóng cũng là cách nhanh nhất để kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh. Bạn có thể di chuyển xung quanh lớp và hỏi một số học sinh và yêu cầu chúng giải thích cho mức độ hiểu của chúng. Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh trả lời đồng thanh, việc làm này cũng khiến học sinh cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra câu trả lời mà không cần suy nghĩ quá nhiều.
4. Hình ảnh
Hình ảnh có ý nghĩa bằng một ngàn từ. Điều tuyệt vời về hình ảnh là mọi người đều nhìn thấy những điều tương tự. Nếu một học sinh nhìn thấy một quả chanh, những học sinh còn lại cũng thấy một quả chanh. Nếu được chọn một cách cẩn thận, có tác dụng rất lớn đối với nhận thức của học sinh. Hình ảnh đặc biệt tốt với những học sinh ở tiểu học và người mới bắt đầu một hoạt động học tập mới. Nếu bạn đang dạy về các loại đồ ăn nhanh, hãy giơ hai hoặc ba bức ảnh cho thấy mọi người ăn các loại đồ ăn khác nhau và đặt câu hỏi, hình nào cho thấy những mọi người đang ăn các đồ ăn nhanh? Sau đó, hãy đặt ra các câu hỏi để khai thác bức tranh, việc trả lời của học sinh sẽ thể hiện được năng lực nhận thức của chúng.
5. Sử dụng các phương pháp phản hồi nhanh
Đối với những học sinh cấp 1 hoặc THCS, một cách hiệu quả để kiểm tra mức độ nắm kiến thức bằng cách yêu cầu học sinh thực hiện một thao tác nào đó. Ví dụ như học sinh sẽ giơ ngón tay cái (kí hiệu like của facebook) để biểu thị là con đã hiểu nội dung và con sẽ trỏ ngón tay cái xuống đất để thể hiện rằng con chưa hiểu bài. Giáo viên cũng có thể có thêm nhiều cách khác như dùng các thẻ màu, xanh, đỏ và vàng. Màu xanh là con đã hiểu các nội dung, màu vàng là một vài nội dung con vẫn chưa hiểu và màu đỏ là con chưa hiểu bài. Bằng cách kiểm tra này, giáo viên cũng thu được phản hồi trên quy mô cả lớp.
[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]