Tại Sao Trẻ Luôn Nghe Lời Cô Giáo Mầm Non Hơn Cha Mẹ?

 

Tại sao trẻ luôn nghe lời cô giáo mầm non hơn cha mẹ? Mỗi buổi chiều đón bé ở trường mầm non, gương mặt của các bà mẹ thường thất thần hỏi: “Con hôm nay có ngoan không cô”. Ngược lại với thái độ của mẹ, là vẻ mặt tươi cười của cô: “Con ngoan lắm, ăn hết suất ăn trưa đó ạ”. Rồi từ nghi ngờ đến ngạc nhiên mẹ nói: “Sao ở nhà con quấy nhiễu và không ăn gì hết cả?”.

Câu nói này có cha mẹ nào nghe thấy quen không? Bậc làm cha mẹ chúng ta lúc nào cũng tự hỏi: “Tại sao con đến trường mầm non ngoan ngoãn thế mà về nhà lại khác hẳn? Tại sao con luôn nghe lời cô mà không nghe lời cha mẹ? Tại sao cứ nhắc đến cô là con nghe lời răm rắp trong khi cha mẹ dùng đủ lời nịnh nọt lẫn roi vọt mà không có tác dụng?

Cha và mẹ có nhất quán cách dạy con không?

Bạn và người bạn đời của mình đã bao giờ ngồi lại thống nhất với nhau về cách dạy con chưa? Đã bao giờ bạn dạy con xong thì con quay ra nói “mẹ/ba cho phép con thế này, thế kia” chưa? Sự mâu thuẫn trong cách dạy con của cha và mẹ, hoặc của cha mẹ và ông bà, khiến trẻ lúng túng không biết nên làm thế nào.

Tại sao trẻ luôn nghe lời cô giáo mầm non hơn cha mẹ?
Tại sao trẻ luôn nghe lời cô giáo mầm non hơn cha mẹ?

Những điều được phép hay không được phép trong gia đình cần được thống nhất rõ ràng để cho bé nghe theo. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ cách dạy bé ở các cô giáo mầm non.

Cha mẹ đã làm gương cho con chưa?

Đôi khi việc bạn đặt ra quá nhiều quy định lại chưa phải là điều hay. Nó chỉ thực sự tốt khi cha và mẹ nhất nhất tuân thủ những quy định ấy. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu bạn ra quy định rằng mọi thành viên trong gia đình phải xếp giày lên kệ nhưng chính bạn là người luôn để giày bừa bộn ở dưới, vậy bé sẽ làm theo bạn thôi. Nếu bạn muốn quy định tắt đèn nhà vệ sinh sau khi sử dụng xong thì bạn luôn phải làm đúng trước, sau đó bé sẽ tự học theo bạn.

Đừng nghĩ rằng, vì chúng ta là người lớn thì chúng ta có quyền làm mọi điều khác đi. Đừng nghĩ rằng con cái chúng ta buộc phải tuân thủ mọi nguyên tắc của cha mẹ vô điều kiện. Bạn hãy làm gương trước. Muốn dạy con trở thành người ngăn nắp, nề nếp hãy làm gương. Muốn dạy con thành người có ý thức, trách nhiệm hãy làm gương. Bởi trẻ mầm non có xu hướng bắt chước, thực hiện lại mọi hành động của cha mẹ chúng.

Cha mẹ đã thực sự lắng nghe con chưa?

Dường như chúng ta quá bận rộn để lắng nghe lời con nói. Dường như cuộc sống quá tất bật nên chúng ta cảm thấy như không thể có thời gian để ngừng lại dù chỉ một chút. Bạn đang suy nghĩ sai lầm đấy. Mọi sự ưu tiên đều sẽ được dành phần thời gian tương ứng. Con cái không phải là sự ưu tiên hàng đầu của bạn sao?

Mỗi ngày hãy dành thời gian để trò chuyện cùng con, lắng nghe con nói, chia sẻ với con những việc xảy ra trong ngày. Khi bạn lắng nghe con nói, bé sẽ tin tưởng bạn hơn rất nhiều.

Khi bạn yêu cầu điều gì đó mà con không nghe lời, đừng quát nạt ngay. Hãy bình tĩnh lại, yêu cầu một cách nhẹ nhàng hơn. Hãy hỏi trẻ mầm non xem con muốn điều gì rồi tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Bạn sẽ thấy rằng mọi lời nói ngọt ngào có giá trị hơn rất nhiều lần sự quát tháo ầm ĩ.

Cha mẹ đã động viên con đúng cách chưa?

Khi khuyến khích bé mầm non làm việc gì, bạn hãy dành cho con những lời động viên để con có thêm động lực và quyết tâm. Nếu con làm tốt hãy cho con những lời khen, những phần thưởng nho nhỏ. Nếu con làm chưa tốt hãy hướng dẫn con làm lại.

Tuyệt đối không lấy người khác, bạn khác ra làm gương với thái độ chê bai con mình. Trẻ mầm non hay người lớn đều không muốn bị so sánh. Nếu bị so sánh nhiều chúng sẽ tủi thân và luôn luôn nghi ngờ bản thân mình.

Tuyệt đối không thường xuyên nhắc lại sai lầm của con sau khi đã xử lý xong. Thử nghĩ xem, nếu là bạn bạn có muốn người khác cứ nhắc đi nhắc lại sai lầm của mình không?

Việc bé nghe lời ở lớp, không nghe lời ở nhà có thể do hai cách giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ hãy xem xét lại bản thân và những điều tồn tại trong gia đình để có cách giải quyết cho việc trẻ không nghe lời. Hãy liên hệ với các cô giáo mầm non nhiều hơn để tìm ra những “phương thuốc” điều trị căn bệnh khó bảo của các bé nhé!