Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM đối với trẻ mầm non

TEAM đã và đang bắt đầu phát triển vượt bậc như một phương thức tiếp cận nền giáo dục mới, tận dụng lợi ích của STEM và thông qua nghệ thuật để phát huy triệt để tính năng vốn có của nó, cho phép trẻ ở độ tuổi mầm non cũng có cơ hội được tham gia và phát triển toàn diện. Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền giáo dục thế kỉ 21.

Phương pháp STEAM là phương pháp giáo dục mới và vô cùng toàn diện

STEAM khác STEM như thế nào?

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục đề cao 4 yếu tố như Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kĩ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Qua quá trình tổng hợp kiến thức giữa các bộ môn quan trọng này, học sinh sẽ hình thành được những kĩ năng cần thiết về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học và kết hợp chúng một cách hài hòa, phục vụ cho việc ứng dụng vào thế giới công nghệ ngày nay.

Bên cạnh đó, STEM còn tạo cho người học kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng quản lý thời gian, kĩ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kĩ năng tư duy chiến lược và giải quyết mục tiêu. Từ đó, người học sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và quan trọng nhất của thế kỉ 21, góp phần tăng cường đáng kể ưu thế cạnh tranh về nguồn lao động của mỗi quốc gia.

Mặc dù STEM thể hiện được ưu điểm vượt trội trong cách giáo dục của mình, song nền kinh tế lại yêu cầu cao hơn mức độ hiểu biết giới hạn bởi 4 lĩnh vực này. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, thông minh trong cách áp dụng thực tế. Chính vì vậy, STEAM đã ra đời. Với sự bổ sung của yếu tố nghệ thuật (Arts) vào mô hình STEM, STEAM đã dần trở thành mô hình giáo dục hoàn toàn mới và toàn diện.

Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM đối với trẻ mầm non

Ở độ tuổi mầm non, trẻ tiếp thu bài vở không phải qua những lời nói mơ hồ mà chúng cần được trải nghiệm thực tế, được khám phá, quan sát và thực hành, bởi tư duy của trẻ mầm non là tư duy mang tính chất trực quan. Khi cho trẻ thực hiện một thí nghiệm khoa học nào đó, hãy tạo điều kiện cho trẻ được quan sát, đồng thời tập trung vào những câu hỏi để trẻ tự đưa ra câu trả lời về những hiện tượng, thay đổi mà trẻ nhìn thấy, nghe thấy. Tránh giải thích dài dòng làm trẻ hoang mang khó hiểu, hãy để trẻ tiếp thu mọi thứ bằng chính cảm nhận và giác quan của mình.

Theo phương pháp giáo dục STEAM, để trẻ phát triển tư duy một cách tốt nhất thì khi đặt câu hỏi cho chúng, bạn nên sử dụng những câu hỏi mở thay vì những câu hỏi có câu trả lời đơn giản là “có” hoặc “không”. Chẳng hạn như: Đây là viên kẹo màu hồng đúng không? Que kem này hình chữ nhật à?,…Nên đưa ra những câu hỏi yêu cầu trẻ phải trả lời theo ý hiểu, giúp trẻ huy động vốn hiểu biết và tích lũy kinh nghiệm, chẳng hạn: Quả gì đây?, Bạn biết gì về con mèo?, Con có thể kể cho cô nghe con đã vẽ chiếc thuyền này như thế nào không?,…Bạn cũng có thể kích thích trẻ tự tìm tòi, khám phá qua các câu hỏi: Tại sao con không làm thử?, Con hãy tìm cách khác biết đâu sẽ tốt hơn?,…hoặc rèn luyện kĩ năng phán đoán, suy luận cho trẻ: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho nước vào viên kẹo này? Nếu bạn nhỏ nghịch con dao đó thì sẽ nguy hiểm ra sao? Ngoài ra, những câu hỏi kiểu này còn giúp trẻ phát huy được trí tưởng tượng phong phú: Các con có thấy hình vẽ này giống với cái gì mà con đã từng gặp không?,…

Trẻ mầm non không học kiến thức mang tính chất hàn lâm, vĩ mô mà chúng chỉ có thể ghi nhớ mọi thứ nhanh nhất khi nó được ứng dụng vào chính cuộc sống của mình. Chính vì thế, muốn bài học trở nên hứng thú và có nghĩa với trẻ, hãy biến mỗi kiến thức thành một sản phẩm như: chiếc chong chóng quay, chiếc đèn phát sáng, ô tô phản lực,…Khi các nguyên lý khoa học trở nên cụ thể qua các món đồ chơi yêu thích của trẻ, được trẻ tự sáng tạo ra thì chúng sẽ trở nên vô cùng hứng thú và có tác động tích cực đến quá trình trẻ tiếp thu.

Cho trẻ mầm non được tự do hoạt động là một trong những cách thức giáo dục của phương pháp STEAM. Hãy để trẻ làm người lớn theo sở thích của mình thông qua các hoạt động STEAM dưới dạng trò chơi nhập vai vào các nhân vật: kĩ sư, nhà bác học, bác sĩ, nhà thám hiểm,…Giao nhiệm vụ cho trẻ, tạo cảm hứng để trẻ được thỏa sức tìm tòi, khám phá sẽ khiến trẻ tiếp nhận kiến thức một cach dễ dàng hơn.

STEAM không phải là phương pháp có thể áp dụng một cách dễ dàng, nhưng hiệu quả giáo dục mà nó mang lại cho trường học nói chung và trẻ mầm non nói riêng là vô cùng lớn. Trường học sẽ không còn là nơi chỉ giảng dạy cho trẻ những lý thuyết mơ hồ mà nó còn trở thành nơi cho chúng những trải nghiệm thú vị nhất, được khôn lớn, trưởng thành qua kiến thức trong đời thực, theo đúng tiêu chí” chơi thông minh và học vui vẻ”.

Con đường trải nghiệm STEAM là con đường vô cùng lý thú. Khi được học tập theo phương pháp này, bạn sẽ thấy trẻ rất tập trung, say sưa khám phá, qua đó trí tò mò được thỏa mãn và trên hết là giúp khơi gợi niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt đối với khoa học và công nghệ.

Mặc dù vậy, giáo dục STEAM cũng có thể mắc phải những khó khăn nhất định nếu các nhà giáo dục không thực sự hiểu rõ về bản chất của phương pháp này, cũng như không nắm được cách tiếp thu của những đứa trẻ mầm non để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất. Nhiều đơn vị mầm non đã tận dụng được lợi ích của STEAM mang lại và từng bước khai phá tiềm năng của nó một cách triệt để, hưa hẹn một bước phát triển mới trong cách giáo dục trẻ mầm non.

[content_block id=4692 slug=chan-trang-cac-bai-viet-kien-thuc-truong-hoc]