Một vài biện pháp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. Từ triển khai thực hiện đến nay giáo viên còn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng môi trường giáo dục “mời gọi” trẻ tham gia cũng như trẻ tích cực chủ động phát huy khả năng, kinh nghiệm của bản thân để giải quyết vấn đề, cụ thể: môi trường thiết kế chưa phong phú, chưa mang tính “mở”, các góc bố trí chưa linh hoạt, chưa thể hiện và phát huy thế mạnh vùng miền… Sau đây là một vài gợi ý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non.

 

Biện pháp 1: Xây dựng môi trường giáo dục tâm lí – xã hội hỗ trợ, kích thích hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học, học bằng chơi.

Môi trường giáo dục tâm lí – xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách, thái độ, tình cảm, hành vi của trẻ cũng như hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Theo kết quả nghiên cứu của Unesco trong chương trình giá trị sống toàn cầu, môi trường giáo dục cần tạo cho trẻ cảm thấy được an toàn, được có giá trị, được yêu thương, được hiểu và được tôn trọng. Một môi trường tâm lí – xã hội lấy trẻ làm trung tâm, các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, sự quan tâm sẽ khơi dậy động cơ tốt đẹp, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo… của cả giáo viên và trẻ bởi được sống và học tập trong môi trường tâm lí – xã hội lành mạnh giáo viên và trẻ sẽ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình, mọi hình thức kiểm soát sẽ không phù hợp.

Chính vì thế, trường mầm non cần tạo môi trường tâm lí – xã hội cho giáo viên:

– Ổn định, thân thiện, cởi mở;

– Nhận xét góp ý giáo viên đúng, đủ trên tinh thần xây dựng, tạo bầu không khí văn minh, thân thiện và công bằng;

– Xây dựng môi trường tâm lí – xã hội mang tính chất như một gia đình để trẻ có thể phát huy hết những tiềm năng đang nảy nở.

Do đó, nhà trường cần tạo môi trường:

– An toàn cả về thể chất lẫn tinh thần, trẻ được người lớn chăm sóc giáo dục bằng tình cảm yêu thương;

– Môi trường phong phú về các mối quan hệ (ban giám hiệu, giáo viên, các cô bác công nhân viên, phụ huynh, trẻ em) cũng như phong phú về đồ dùng, phương tiện trực quan…;

– Môi trường mà trẻ được giáo dục bằng giao tiếp trực tiếp và thường xuyên trong mọi tình huống trong giờ ăn, giờ ngủ, giờ học, giờ chơi…;

– Môi trường tự do tạo cơ hội, điều kiện để phát triển tối ưu những tiềm năng sẵn có;

– Môi trường có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau vì mỗi trẻ là một cá thể rất đặc biệt có nhu cầu, khả năng, mong muốn, kinh nghiệm… không giống nhau, niềm tin của người lớn là động lực để trẻ phát huy mọi năng lực và môi trường khuyến khích trẻ tích cực, chủ động dựa trên nhu cầu, mong muốn, khả năng của bản thân.

Như vậy, để có được môi trường nhà trường nhân văn và thân thiện, từ cán bộ quản lý, giáo viên đến công nhân viên trong nhà trường cần biết lắng nghe, có lời nói và cử chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, không phân biệt đối xử, không khí giao tiếp tích cực, vui tươi, mối quan hệ gần gũi, yêu thương; tạo điều kiện, cơ hội cho giáo viên và trẻ tham gia nhiều hoạt động cũng như trẻ được làm việc cùng nhau để phát huy mọi tiềm năng.

 

Một vài biện pháp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

 

Biện pháp 2: Thí điểm xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của lớp học, giáo viên thực hiện là tổ/khối trưởng.

Nhà trường cùng giáo viên thực hiện tại lớp một số nội dung nổi bật, trong quá trình thực hiện rút kinh nghiệm và sửa chữa:

– Thực hiện các bài tập góc có tính ứng dụng cao có thể thay đổi nội dung các bài học theo chương trình giáo dục của trẻ;

– Sử dụng sản phẩm của trẻ trong quá trình hoạt động trang trí môi trường trong và ngoài lớp học;

– Các bài tập cùng nội dung nhưng khác nhau về yêu cầu, cách thức thực hiện cho mỗi trẻ theo khả năng;

– Chữ ghi chú thích, ghi bài thơ, tên bài tập… được viết đúng theo mẫu chữ quy định.

Các góc hoạt động được bố trí linh hoạt (có góc cố định, cũng có góc không cố định có thể di chuyển theo tình hình thực tế, đề tài giáo dục), theo hướng “mở”, dễ dàng di chuyển và liên kết với nhau:

– Góc gia đình liên kết với các góc như uốn tóc, buôn bán hoặc gần công trình xây dựng để sau khi nấu ăn trẻ sẽ bán thức ăn cho công nhân;

– Góc tạo hình và góc âm nhạc liên kết với nhau để trang trí trang phục hoặc sân khấu biểu diễn;

– Góc xây dựng liên kết với góc lắp ráp; góc tạo hình có thể nới rộng ra trước sân trước lớp cho trẻ có không gian rộng để phát triển trí tưởng tượng, tự do xây dựng theo sở thích và có thể bố trí thuận tiện trước lớp, vừa tầm của trẻ để trẻ treo tranh, ngắm tranh và khoe sản phẩm tạo hình với ba mẹ…

– Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí các góc cần quan tâm đến vị trí thuận tiện và mục đích sử dụng của từng góc chơi (góc đọc sách cần nơi thoáng mát, đủ ánh sáng có thể thiết kế gần cửa sổ hoặc ngoài vườn trường; góc khám phá và tạo hình gần nơi có nguồn nước…) và không ảnh hưởng đến nhau trong quá trình hoạt động (góc âm nhạc nên tránh làm phiền, ảnh hưởng các góc chơi tĩnh như đọc sách, lắp ghép).

Cùng với việc xây dựng, bố trí các góc chơi khoa học, linh hoạt, thu hút, mời gọi trẻ thì việc sắp xếp đa dạng, phong phú đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu đảm bảo an toàn, vệ sinh, phù hợp với thể chất và tâm lí trẻ nhằm kích thích trẻ hoạt động, kích thích sự phát triển của trẻ là điều kiện không thể thiếu khi xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm.

– Đồ chơi tại các góc được sắp xếp và có kí hiệu cho trẻ thuận tiện hoạt động;

– Tại các góc chơi đều có bảng hướng dẫn để trẻ có thể chủ động chơi mà không cần cô hướng dẫn, hoặc trẻ có thể chủ động chơi cùng bạn;

– Môi trường trong lớp học nên bày trí gần gũi như ngôi nhà của trẻ, thể hiện được nét văn hóa riêng của cộng đồng và địa phương;

– Ngoài ra, cần sắp xếp, thiết kế môi trường trong lớp sao cho giáo viên dễ dàng quan sát, giúp đỡ trẻ khi cần thiết và hạn chế trang trí lớp học hoặc trang trí bằng chính sản phẩm của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác hạnh phúc, mới lạ, thích thú.

 

Biện pháp 3: Toàn trường thực hiện xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Nhà trường xây dựng môi trường giáo dục ngoài lớp học, bằng cách nghiên cứu tài liệu cải tạo các góc chơi trong sân trường sao cho đảm bảo các tiêu chí: an toàn, thuận tiện, “mời gọi” trẻ tích cực tham gia mọi hoạt động, tăng cường vận động, thẩm mỹ và ngăn nắp (đồ chơi được sắp xếp theo kí hiệu để cô và trẻ lấy và cất đúng nơi quy định).

Khi xây dựng môi trường giáo dục bên ngoài lớp học cần:

– Mời ý kiến đóng góp của trẻ và gia đình trẻ, bởi nó phản ánh nhu cầu và hứng thủ của trẻ và gia đình;

– Linh hoạt phù hợp với hứng thú, khả năng của mỗi trẻ;

– Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện cá nhân, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tất cả các mặt học tập, hợp tác của trẻ em;

– Phù hợp với khả năng và cách thức học tập khác nhau của trẻ;

– Đáp ứng tiêu chí “mời gọi trẻ tham gia khám phá và kết nối với thiên nhiên” cũng như chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra và nuôi dưỡng ý thức tôn trọng môi trường tự nhiên, làm nền tảng phát triển nhận thức và giáo dục môi trường.

Song song đó, môi trường thiên nhiên ngoài lớp học cũng có ý nghĩa quan trọng bởi sẽ đem đến cho trẻ nhiều cảm hứng và ý tưởng sáng tạo độc đáo. Do đó:

– Môi trường ngoài lớp học cần đa dạng, phong phú nhiều loại cây, không chỉ cây thân mềm, thân bụi mà còn cây thân gỗ che bóng mát cũng như mắc võng đung đưa trong vườn trường đọc sách thư giãn hay những trò chơi từ trẻ con mà chỉ có trẻ con mới nghĩ đến…;

– Có những khoảng sân chứa cát bởi trẻ em luôn thích thú với cát luồn qua kẽ tay hay tạo hình cùng cát và nước…;

– Những gốc cây, khúc gỗ, đá, sỏi… luôn đem đến cho trẻ nhiều cảm hứng cũng như những ý tưởng sáng tạo;

– Hoa lá, cỏ cây không chỉ đem đến cho trẻ nhiều cảm xúc mà còn là môi trường thu hút nhiều loài côn trùng thú vị để trẻ khám phá;

– Không nhất thiết “xi măng hóa” toàn bộ sân trường, bởi trẻ sẽ có những trải nghiệm thú vị từ thế giới vô sinh đất, đá, cát…

Từ mô hình xây dựng môi trường bên ngoài lớp học cũng như trong lớp học (biện pháp 2), nhà trường xây dựng, định hướng, gợi mở, hỗ trợ giáo viên tiến hành xây dựng môi trường trong lớp sao cho trẻ là chủ thể của quá trình hoạt động, trẻ tích cực, hăng say trải nghiệm, khám phá một cách tự do, tự tin và được tôn trọng.

 

Kết luận

Tóm lại, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là việc làm cần thiết trong tiến trình đổi mới và phát triển giáo dục mầm non. Để xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trước hết, giáo viên phải vững về lý thuyết, hiểu rõ việc cần làm, có khả năng quan sát, tìm hiểu những điều trẻ cần biết và muốn biết từ đó thiết kế môi trường giáo dục khơi gợi hứng thú, phát huy khả năng tìm tòi và khám phá của trẻ; cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội khám phá; trẻ tích cực chủ động và tự tin tham gia vào các hoạt động đầy sáng tạo; hình thành kỹ năng tự lập đồng thời mời gọi trẻ tham gia giải quyết các tình huống có vấn đề. Bên cạnh việc thiết kế môi trường gần với với văn hóa địa phương, bản sắc dân tộc để trẻ trải nghiệm cảm giác thân quen, môi trường phải đáp ứng sở thích, khả năng, hướng đến trẻ em: trẻ dễ dàng di chuyển, sân chơi thiết kế chơi được lâu dài, thu dọn thuận tiện, đồ chơi bền, màu sắc, chất liệu đẹp, có thẩm mỹ… Để giáo viên mạnh dạn, tự tin, sáng tạo khi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, vai trò đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy của nhà trường là cực kì quan trọng.