Cơ sở vật chất trường mầm non dù là nhà nước hay tư thục cũng phải nằm trong tiêu chuẩn cho phép được Bộ giáo dục và Đào tạo quy định. Đây là điều mà các nhà đâu tư cần nắm rõ trước khi quyết định kinh doanh trong lĩnh vực này. Nó bao gồm nhiều hạng mục, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể từng hạng mục trong bài viết dưới đây.
Theo điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non như sau:
1. Diện tích, khuôn viên và các công trình của trường mầm non
– Có đủ diện tích đất hoặc diện tích sàn theo quy định. Các công trình thuộc trường mầm non được xây dựng bán kiến cố hoặc kiên cố.
– Có biển hiệu, khuôn viên có tường rào bao quanh
– Có nguồn nước sạch, hệ thống cống rãnh hợp vệ sinh
2. Sân vườn và khu vực vui chơi đảm bảo yêu cầu
– Diên tích sân chơi cho trẻ được quy hoạch và thiết kế phù hợp, có bố trí các loại cây xanh tạo bóng mát
– Có vườn rau, cây xanh dành riêng cho trẻ tự tay chăm sóc, giúp trẻ học tập và khám phá
– Khu vực sân chơi ngoài trời được trồng thảm cỏ, lát gạch hoặc láng xi măng. Có ít nhất năm loại đồ chơi ngoài trời được quy định trong Danh mục đồ dùng đồ chơi mầm non theo thông tư 34 của Bộ GDĐT.
3. Phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung và hiên chơi đảm bảo yêu cầu
– Có thể tổ chức cho trẻ ăn, ngủ tại phòng sinh hoạt chung. Phòng sinh hoạt chung phải đáp ứng các yêu cầu trong Điều lệ trường Mầm non quy định, có học liệu, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra còn có các loại hoa, cây cảnh, tranh trang trí đẹp, phù hợp với trẻ mầm non
– Phòng ngủ có đầy đủ các thiết bị và đảm bảo diện tích trung bình cho mỗi bé theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
– Hiên chơi cũng cần đảm bảo quy cách cũng như diện tích trung bình cho mỗi trẻ theo quy định. Khoảng cách giữa các thanh gióng đứng của lan can không quá 0,1m.
4. Phòng giáo dục thể chất – nghệ thuật, nhà vệ sinh, bếp ăn
– Phòng giáo dục thể chất và nghệ thuật với diện tích tối thiểu đạt 60m2, có các đồ dung, thiết bị phù hợp vói nhu cầu phát triển thể chất và thẩm mỹ của trẻ.
– Bếp ăn được thiết kế và vận hành theo quy trình bếp một chiều. Thiết bị nhà bếp phải đầy đủ và đảm bảo hợp vệ sinh. Kho thực phẩm được chia thành các khu vực khác nhau cho các loại thực phẩm riêng biệt, có tủ lạnh lưu trữ thức ăn và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
– Có nhà vệ sinh riêng biệt cho trẻ và cho giáo viên, đảm bảo yêu cầu và thuận tiện khi sử dụng.
5. Khối phòng hành chính quản trị
– Văn phòng trường đảm bảo diện tích tối thiểu là 30m2, có đầy đủ bàn ghế họp, tủ văn phòng và biểu bảng cần thiết.
– Phòng Hiệu trưởng, Hiệu phó đáp ứng diện tích tối thiểu là 15 m2, có đầy đủ bàn ghế tiếp khách và các phương tiện làm việc.
– Phòng hành chính quản trị diện tích tối thiểu cũng phải đạt 15m2, có trang bị máy vi tính và các phương tiện làm việc khác.
6. Phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng nhân viên
– Phòng y tế:
+ Diện tích tối thiểu là 12m2
+ Có đủ các thiết bị y tế và đồ dùng hỗ trợ cho việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe của trẻ
+ Có bảng thông báo các vấn đề tích cực liên quan đến việc chữa bệnh và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì
+ Có bảng theo dõi tiêm phòng và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
+ Có tranh ảnh thể hiện mục đích tuyên truyền phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non.
– Phòng bảo vệ, thường trực:
+ Diện tích tối thiểu là 6m2
+ Có bàn ghế, bảng – sổ theo dõi khách, đồng hồ
– Phòng nhân viên: Diện tích tối thiểu là 16m2, có tủ đựng đồ cá nhân
– Khu vực để xe cho giáo viên, cán bộ công nhân viên: đảm bảo có mái che và diện tích theo quy định.
7. Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi mầm non
– Có đủ đồ dùng, đồ chơi và các thiết bị giáo dục mầm non theo quy định và được sử dụng một cách hiệu quả trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
– Các đồ dùng, đồ chơi và các thiết bị giáo dục ngoài danh mục được quy định phải đảm bảo an toàn, mang tính giáo dục và phù hợp với trẻ mầm non
– Bổ sung, sửa chữa, thay thế và nâng cấp hằng năm.